VnExpress

 
Thứ Ba | 26/09/2017 13:43

ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam

Hoạt động ngành dầu thô và khai khoáng giảm sút có thể khiến GDP Việt Nam năm nay chỉ tăng 6,3%.

Trong báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADOU) 2017 công bố hôm nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan, bất chấp nhiều yếu tố bất lợi. 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,7%, nhỉnh hơn cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, do sản lượng khai khoáng và dầu thô giảm sút nửa đầu năm nay, ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3% năm 2017 và 6,5% năm 2018. Các số liệu này đều giảm so với báo cáo trước đó. Tốc độ 6,3% tương đương dự báo hồi tháng 7 của Ngân hàng Thế giới (WB) và thấp hơn so với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đặt ra.

6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng được kỳ vọng nâng lên. Các yếu tố có tác động tích cực là FDI, xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng, nông nghiệp hồi phục và Chính phủ tăng chi cho cơ sở hạ tầng. ADB cũng lạc quan về mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3,5% GDP năm nay.

Dù vậy, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức nếu muốn tăng trưởng bền vững. Đó là hạ lãi suất xuống quá thấp có thể làm tăng tăng nợ xấu và tạo ra bong bóng tài sản. Chính phủ nên tập trung vào chất lượng cho vay thay vì số lượng cho vay. Bên cạnh đó, để cải cách tài khóa không ảnh hưởng đến tăng trưởng, Chính phủ cần giảm chi tiêu công không thiết yếu và tìm cách tăng thu thuế.  

Báo cáo cũng nhấn mạnh dù sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn là một điểm sáng của Việt Nam, thặng dư thương mại đã giảm nhanh hơn dự kiến. Nguyên nhân là nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu. Nửa đầu năm, thặng dư thương mại chỉ còn khoảng 1,5% GDP, giảm so với 8,1% cùng kỳ năm ngoái.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận xét: "Dù hiệu quả thương mại được dự kiến tiếp tục duy trì, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn nếu các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt đi xuống. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng thấp ngoài dự kiến của Trung Quốc - đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam - cũng sẽ có tác động".

Về việc Mỹ giảm nới lỏng tiền tệ thời gian gần đây, ADB cho rằng xét trên một vài khía cạnh, nó có thể tác động đến Việt Nam, nhưng không nhiều. FDI vào Việt Nam vẫn mạnh, do các doanh nghiệp vẫn muốn đầu tư vào đây để tận dụng nguồn lao động dồi dào trong bối cảnh cơ sở hạ tầng đã có nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, danh mục đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng hạn chế, nên tình trạng dòng vốn bị rút ra mạnh khi Mỹ nâng lãi suất khó xảy ra.

Nguồn VnExpress