Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc giảm do ảnh hưởng từ sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Reuters
ADB giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam vì chiến tranh thương mại
Theo Reuters, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ngày 26/9/2018 đã lên tiếng báo động: Các nền kinh tế Châu Á, rất lệ thuộc vào xuất khẩu, có nguy cơ thấy tăng trưởng năm 2019 sụt giảm so với mức dự kiến trước đây vì cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tỷ lệ bị mất bình quân là 0,1%.
Trong báo cáo cập nhật về Triển vọng Phát triển Châu Á (BAD), liên quan đến 45 quốc gia châu Á và châu Đại Dương, ADB xác nhận dự báo tăng trưởng 6% cho khu vực vào năm nay 2018, nhưng đã hạ thấp mức dự báo cho năm tới 2019, từ 5,9% xuống còn 5,8%. Đây là mức thấp nhất từ năm 2001, thời điểm tăng trưởng Châu Á chỉ là 4,9%.
Theo ông Yasuyuki Sadawa, Trưởng nhóm kinh tế gia của ADB, nguy cơ sụt giảm tăng cao do tác động của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung trên dây chuyền cung ứng trong khu vực và nguy cơ vốn đầu tư bị rút đi khỏi khu vực một cách bất ngờ trong trường hợp Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.
Một nguy cơ khác là khả năng nguồn tiền mặt trên trường quốc tế bị siết lại, làm tăng lãi suất vay vốn.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, ADB dự kiến là trong năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu không cao, lạm phát tăng nhanh, vốn đầu tư rút bớt đi, tình trạng khó khăn trong cán cân chi thu tác động đến triển vọng kinh tế. Trong tình hình đó, Đông Nam Á sẽ chỉ tăng trưởng là 5,1% thay vì 5,2% như đánh giá vào tháng 7 vừa qua.
Riêng về Trung Quốc, BAD chờ đợi mức tăng trưởng 6,3% cho năm 2019, sụt 0,1 điểm so với dự báo vào tháng 7 vừa qua, còn năm nay, 2018, thì vẫn giữ mức 6,6% như đã thông báo vào tháng 7.
Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tăng trưởng năm nay là khoảng 6,5%, cũng như 2017, nhưng cuối cùng, vào năm ngoái tăng trưởng Trung Quốc lên 6,9%.
ADB đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho năm nay xuống 6,9% so với mức 7,1% như đã đưa ra trước đây, một phần là do những mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Việt Nam, một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á, có nền kinh tế mở lệ thuộc nặng nề vào xuất khẩu. Mỹ và Trung Quốc là các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
ADB cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới Việt Nam nên đã hạ thấp dự báo xuống. Tuy nhiên, dự báo của ADB vẫn cao hơn mục tiêu tăng trưởng 6,7% của chính Việt Nam.
“Đây không phải là những sự kiện có lợi cho Việt Nam. Do (nền kinh tế) Việt Nam mở như vậy nên bất cứ sự giảm thiểu nào trong thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến họ,” Giám đốc Quốc gia của ADB Eric Sidgwick nói.
“Có thể có một tác động có lợi trong ngắn hạn nhưng chúng tôi thấy được nó sẽ tác động thế nào trong dài hạn. Nguy cơ dài hạn là sự thu nhỏ về thương mại nói chung và sự cạnh tranh trở nên ráo riết hơn, do đó tốc độ tăng trưởng của Việt Nam bị kéo chậm lại,” theo ông Sidgwick.
ADB cho biết tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay có thể bị ảnh hưởng bởi các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Mặc khác, điều kiện thời tiết thất thường cũng có thể làm giảm sản lượng nông nghiệp và khai khoáng.
Ngân hàng này đã điều chỉnh tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong năm nay lên 4% so với mức dự báo 3,7% trước đó, với chi phí gia tăng trong lĩnh vực y tế và giáo dục, giá dầu và rủi ro tiền tệ cao hơn do biến động của đồng đô la Mỹ và đồng nhân dân tệ Trung Quốc lên tiền đồng của Việt Nam.
ADB cho biết tỷ lệ lạm phát cho năm tới được dự đoán ở mức 4,5%, cao hơn so với dự báo trước đó là 4%, trong khi dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2019 được duy trì ở mức 6,8%.
Việt Nam đã tuyên bố sẽ giữ lạm phát dưới mức 4% trong năm nay, và có các biện pháp tương đối mạnh để kiềm chế lạm phát và giữ giá đồng tiền theo các chỉ tiêu đã đề ra hơn là để các chỉ số này tự do lên xuống theo thị trường nhằm đảm bảo ổn định kinh tế.