Thứ Tư | 31/10/2012 16:24

ADB dự kiến cho Việt Nam vay tối đa 4 tỷ USD

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và Việt Nam thoát khỏi nước có thu nhập thấp, lượng vốn ODA có thể giảm đi, giám đốc quốc gia của ADB cho biết.
Hôm nay (31/10), ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố chiến lược đối tác quốc gia của ADB đối với Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015.

Theo đó, trong giai đoạn này, ADB dự kiến sẽ cấp đối đa cho Việt Nam khoản vay trị giá 3,892 tỷ USD, bên cạnh khoản hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại gần 24,6 triệu USD.

Đây là số vốn mà ADB lên kế hoạch cho Việt Nam vay, tuy nhiên các khoản vay chính thức sẽ phải chờ sự phản hồi từ phía Chính phủ cũng như kết quả thực hiện của Việt Nam với các khoản vay trong giai đoạn trước, ông Tomoyuki Kimura, giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết.

Các dự án vay và hỗ trợ kỹ thuật trong kế hoạch 2012 - 2015
Các dự án vay và hỗ trợ kỹ thuật trong kế hoạch 2012 - 2015

Theo ADB, 3 trụ cột chiến lược mà ADB xác định cho Việt Nam trong lần hợp tác giai đoạn 2012 - 2015, gồm tăng trưởng toàn diện, nâng cao hiệu suất kinh tế và môi trường bền vững.

Trong đó, trụ cột tăng trưởng toàn diện sẽ giúp Việt Nam giảm số người nghèo thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn, tiếp cận với các nguồn lực kinh tế và hỗ trợ các cơ hội giáo dục đào tạo.

Trụ cột nâng cao kinh tế với mục tiêu hỗ trợ cải cách cơ cấu và chính sách, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường công tác lập kế hoạch đầu tư công, phát triển khu vực tài chính theo chiều sâu để huy động vốn tư nhân.

Môi trường bền vững sẽ giúp Việt Nam đối phó với những thách thức môi trường, biến đổi khí hậu ở cấp trung ương và địa phương thông qua quản lý tài nguyên thiên nhiên, áp dụng công nghệ sạch trong lĩnh vực hạ tầng.

Việc hỗ trợ sẽ tuân theo nguyên tắc là phải hài hòa với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chiến lược 2020 của ADB, hỗ trợ quyết tâm tái cơ cấu của Chính phủ.

Tỷ trọng vốn vay ADB của Việt Nam tính đến T9/2012

Tỷ trọng vốn vay ADB của Việt Nam tính đến T9/2012

So với chiến lược 2007 - 2010, chiến lược 2012 - 2015 có một số khác biệt, bao gồm trụ cột chiến lược đề ra nhằm giải quyết những thách thức của một nước có thu nhập trung bình chứ không còn là nước thu nhập thấp; Tập trung hơn nữa vào công tác tái cơ cấu nền kinh tế; có giải pháp nâng cao công tác lập kế hoạch và thực hiện dự án...

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, thu hút ODA sẽ là một thách thức với các quốc gia, song cũng là một cơ hội cho Việt Nam đánh giá tầm quan trọng của nguồn vốn này cũng như cải thiện cách thức thu hút, sử dụng vốn, chuyên gia của ADB cho biết.

Nguồn Khampha


Sự kiện