Thứ Ba | 24/03/2015 14:40

ADB: Dư địa để Việt Nam nới lỏng thêm chính sách tiền tệ không lớn

Lãi suất thực dương ở Việt Nam ở mức đủ để thu hút đầu tư nhưng không đủ dư địa để có thể nới lỏng chính sách tiền tệ quá lớn.

Tại buổi họp báo về Tình hình Phát triển Kinh tế châu Á và Việt Nam 2015 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức, ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế ADB Việt Nam đã đưa ra một số đánh giá cũng như dự báo về khu vực tài chính Việt Nam.

Dự báo của ADB cho rằng chính phủ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh lạm phát thấp để thu hút đầu tư. Lạm phát năm 2015 được ADB dự báo ở 2,5%, và tăng nhanh lên 4% trong 2016.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay thêm 1-1,5 điểm % trong năm 2015, sau khi đã giảm khoảng 2 điểm % trong năm 2014.

Tuy nhiên, ông Dominic cho rằng, lãi suất thực ở Việt Nam hiện dương và ở mức đủ để thu hút đầu tư nhưng không đủ dư địa để có thể nới lỏng chính sách tiền tệ quá lớn trong thời gian tới.

Theo ông Dominic, hiện nay, Việt Nam đang cạnh tranh với các nước trong khu vực trong thu hút FDI nên tỷ giá là 1 trong những yếu tố tác động nhưng vẫn còn những yếu tố khác như chi phí lao động, môi trường pháp lý…Tháng riêng vừa qua, NHNN đã tiếp tục điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD xuống thêm 1% và có thể tiếp tục điều chỉnh thêm 1% trong năm 2015.

Về nợ xấu, NHNN đưa ra con số nợ xấu chính thức vào năm ngoái là 3,25% nhưng thực tế rất nhiều nợ xấu chưa được đưa vào sổ sách kế toán của các ngân hàng Việt Nam. Theo ông Dominic, một phần nợ xấu đã chuyển từ sổ sách của các ngân hàng thương mại sang VAMC, chính vì vậy điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam cần đưa ra một lộ trình rất rõ ràng để giải quyết nợ xấu. Điều quan trọng là các ngân hàng thương mại cần tăng dự trữ, trích lập dự phòng của mình để xử lý nợ xấu khi mà trong tương lai nợ xấu lại xuất hiện trong sổ sách của họ.

Các quy định mới mà NHNN đưa ra, sẽ được thực hiện tháng 4/2015. Vậy nên con số nợ xấu ở Việt Nam sẽ vẫn tăng khi các quy định mới về trích lập dự phòng và phân loại nợ mới sẽ được áp dụng, ông Dominic nhận định.

Tiến trình lành mạnh hóa khu vực ngân hàng đang từng bước đạt được tiến bộ thông qua việc khuyến khích sáp nhập và Nhà nước mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Chuyên gia ADB khẳng định, cải cách khu vực tài chính thì không thể nào tách ra khỏi cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) bởi mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vấn đề nợ xấu từ ngân hàng cũng là vấn đề nợ xấu từ các DNNN.

Quá trình cổ phần hóa DNNN cần đi kèm nhiều yếu tố khác nữa, nếu các DNNN vẫn được ưu ái thì sẽ lấy đi cơ hội của các doanh nghiệp tư nhân. Thời gian tới cần tạo ra mặt bằng tiếp cận tín dụng giống nhau giữa các DNNN và doanh nghiệp tư nhân.

Việc củng cố, hợp nhất các ngân hàng nhỏ thành các ngân hàng lớn, theo ADB, Việt Nam đã rút ra được bài học rằng cần có các ngân hàng mạnh chứ không cần có quá nhiều ngân hàng. Các quy định, chính sách mới cũng đã và đang được xây dựng để tăng cường sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tăng cường khả năng giám sát của Nhà nước đối với hệ thống ngân hàng.

Theo ADB, hệ thống ngân hàng và DNNN sẽ tiếp tục tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế. Các ngân hàng thiếu vốn, thiếu minh bạch tài chính sẽ rủi ro cao trước các cú sốc. Việc tìm kiếm đủ nhà đầu tư tham gia vào các đợt bán cổ phần của DNNN bị cản trở bởi cấu trúc sở hữu phức tạp và thông tin tài chính không rõ ràng của doanh nghiệp.

Năm 2014, lạm phát giảm đã tạo nền tảng cho NHNN cắt giảm lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản, xuống còn 6,5% đối với lãi suất tái cấp vốn và 4,5% đối với lãi suất chiết khẩu. Ngân hàng thương mại cũng hạ lãi suất cho vay, giúp kích thích tăng trưởng tín dụng lên khoảng 12,6%, đạt chỉ tiêu của NHNN đặt ra cho năm 2014. Cung tiền M2 (tổng phương tiện thanh toán) cũng tăng 16%.

Dự trữ ngoại hối phụ hồi vào cuối năm 2014, đạt mức tương đương 3 tháng xuất khẩu. Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã mua lại từ các ngân hàng khoảng 5,8 tỷ USD nợ xấu vào cuối năm 2014...

Nguồn DVO/ADB