Thứ Năm | 25/09/2014 13:35

ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng Việt Nam 2014 xuống 5,5%

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và năm sau, đồng thời hạ dự báo lạm phát năm nay từ hơn 6% xuống 4,5%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa cập nhật báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2014 với tiêu đề "châu Á trong chuỗi giá trị toàn cầu" (Asia in global value chains).

Theo ADB, lạm phát Việt Nam ở mức thấp hơn dự báo, thặng dư cán cân vãng lai ổn định và dự trữ ngoại hối đang tăng.

Tăng trưởng trong nửa đầu năm 2014 dưới mức kỳ vọng và không còn nhiều khoảng trống cho kích thích tiền tệ và tài khóa trong năm là một phần nguyên nhân khiến ADB điều chỉnh dự báo của mình. Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2014 ở mức 5,5% và 5,7% cho năm 2015, giảm so với mức 5,6% và 5,8% trước đó.

Tăng trưởng GDP Việt Nam
Tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2009 - 2015.

Dự báo tăng trưởng kinh tế 2015 có phần nhỉnh hơn dựa trên 3 giả định là các nền kinh tế công nghiệp hàng đầu bao gồm Mỹ cải thiện, mang lại lợi ích cho xuất khẩu và dòng vốn đổ vào Việt Nam; sự hồi phục vừa phải của thị trường bất động sản được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích cho vay mua nhà của chính phủ và lãi suất giảm. Giả định cuối cùng là tiêu dùng cá nhân tăng bởi lạm phát thấp và mức lương tối thiểu cho người lao động được tăng lên vào năm sau.

Với lạm phát trong 8 tháng đầu năm 2014 và tăng trưởng kinh tế dưới mức tiềm năng, dự báo lạm phát trung bình trong năm nay được ADB giảm từ dự báo 6,2% trước đó xuống 4,5% và trong năm sau là 5,5%, giảm so với mức 6,6% trước đó. Lạm phát được dự báo tăng trong năm sau một phần bởi mức giá điều hành của chính phủ với nhiên liệu, điện và chi phí chăm sóc sức khỏe tăng.

Thặng dư tài khoản vãng lai vẫn được dự báo ổn định trong năm nay và năm sau, dù con số dự báo mới giảm so với trước đó. Trong khi xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng, nhập khẩu được ADB dự báo thậm chí tăng nhanh hơn so với dự báo trước. Tài khoản vãng lai của Việt Nam đã luôn thặng dư kể từ năm 2011.

Theo ADB, tổng nợ chính phủ, bao gồm nợ chính phủ bảo lãnh, dự báo chạm mức 57% GDP trong năm nay, tăng so với mức 50% năm 2011. Nợ nước ngoài chiếm khoảng một nửa tổng nợ công, đã giảm nhẹ trong 3 năm qua. Nợ nước ngoài của Việt Nam chủ yếu vay các đối tác phát triển theo các điều kiện ưu đãi, vì thế kiểm soát được chi phí vay và rủi ro tái đầu tư.

Nguồn Theo DVO/ADB


Sự kiện