ACV tuyên bố tự vay, tự trả vốn cho sân bay Long Thành
Căn cứ theo số liệu nêu trên, tỷ lệ vốn doanh nghiệp tự huy động trong dự án này sẽ lên đến trên 80%, cao hơn nhiều mức 52% (tương đương 84.000 tỷ đồng) vừa báo cáo ra Thường vụ Quốc hội. Thay đổi này cũng sẽ làm giảm áp lực đối với đề án xây dựng sân bay, dự kiến được trình ra Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách cao tại dự án Long Thành sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên nợ công.
Tuy nhiên, trả lời VnExpress sau buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Hùng lại cho biết tỷ lệ 80% có được nêu trên là nhờ tính gộp cả phần vốn mà ACV dự kiến vay từ nguồn ODA. “Nhà nước đi vay về rồi doanh nghiệp sẽ vay lại”, vị này giải thích.
“Chúng tôi tính như vậy bởi ODA ở đây không phải được “cấp” mà là doanh nghiệp đi vay lại của Nhà nước và sẽ tự trả. Đây cũng là cách mà ACV từng áp dụng với các dự án nhà ga quốc tế Nội Bài hay Tân Sơn Nhất”, ông Hùng nói thêm.
Trong khi đó tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết đến nay, cơ cấu nguồn vốn xây dựng sân bay Long Thanh vẫn không có gì thay đổi so với báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội mấy ngày trước. Theo đó, trong 164.500 tỷ đồng đầu tư giai đoạn I, phần Nhà nước thu xếp khoảng 84.000 tỷ, dành cho các hạng mục giải phóng mặt bằng, đường cất hạ cánh, giao thông.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong báo cáo giải trình với thường vụ Quốc hội, nếu dự án được thực hiện theo các phân kỳ đầu tư, áp lực nợ công sẽ không quá lớn. “Tỷ lệ nợ công của dự án chỉ chiếm 0,029%”, ông Trường nói.
Trước phương án dùng tiền bán đất từ sân bay Tân Sơn Nhất sau khi ngừng khai thác sau 2025 để đầu tư, Thứ trưởng cho hay số tiền này chỉ đủ cho bản thân sân bay Tân Sơn Nhất, chứ không thấm vào đâu so với tổng kinh phí 18 tỷ USD (tính cả 3 giai đoạn) của Long Thành.
Ý kiến này cũng được chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam chia sẻ khi ông này phản đối việc "xẻ thịt" Tân Sơn Nhất để lấy nguồn xây Long Thành.
Cụ thể, vị này cho rằng nhất thiết phải giữ lại Tân Sơn Nhất, thậm chí mở rộng thêm để phục vụ các hoạt động khác ngoài vận tải hàng không công cộng. Chuyên gia này dẫn chứng, thế giới hiện có 20.000 chiếc máy bay thương mại, ít hơn 7 lần số phi cơ quân sự và chỉ bằng 5% số phương tiện hàng không khác. Do vậy, xu thế chung là không vì có sân bay mới mà đóng cửa cơ sở cũ.
Nguồn VnExpress