ACV: Tháng 7 sẽ niêm yết UPCoM
Sáng nay (16/3), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất. Cổ đông ACV đã thông qua tất cả nội dung tờ trình.
Theo tờ trình Đại hội, tại thời điểm đang diễn ra ĐHĐCĐ lần thứ nhất, quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa kết thúc và dự kiến kéo dài sau thời điểm ACV chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Tại Đại hội, ACV trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là tập đoàn Aéroport de Paris (AdP). Theo phương án này, ACV sẽ chào bán 166.155.494 cổ phần (chiếm 7,4%) với giá khởi điểm thấp nhất là 13.100 đồng/cổ phần (giá đấu giá thành công thấp nhất trong đợt IPO). Với mức giá này, ACV dự kiến thu về khoảng 2.200 tỷ đồng khi bán lượng cổ phần nói trên cho AdP.
Số lượng cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 10 năm. Theo đó, HĐQT ACV được bầu tại Đại hội sẽ quyết định giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Tại Đại hội, đại diện ACV cho biết, sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm 75% vốn, nhà đầu tư chiến lược nắm 20% vốn, nhà đầu tư thông thường nắm 3,47% vốn. Khối cổ phần còn lại bán cho người lao động và tổ chức công đoàn của ACV.
Trả lời thắc mắc cổ đông về tác động tỷ giá đồng yen trong phiên thảo luận, đại diện ACV cho biết hiện Tổng Công ty đang vay vốn ODA của Nhật Bản cho hai dự án sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài với tổng dư nợ vay bằng đồng yen là 73 tỷ yen. Theo đó, ACV đã trích lập dự phòng biến động tỷ giá năm 2015 là 635 tỷ đồng đưa vào giá thành, trích dự phòng 6 tháng đầu năm 2016 là 620 tỷ đồng.
Cổ đông từ SCIC cũng thắc mắc về mức cổ tức năm 2015 chưa tương xứng với mức lợi nhuận tăng trưởng 65% so với kế hoạch. Đại diện ACV cho rằng chia cổ tức 5% chỉ là kỳ vọng tối thiểu, đây là mức đáng tin cậy và an toàn nhất. Cổ đông có thể được chia mức cao hơn.
Sau Đại hội, ACV dự kiến đăng ký kinh doanh và chuyển đổi sang công ty cổ phần vào đầu tháng 4. Chậm nhất tháng 7 sẽ đăng ký giao dịch UpCOM.
Kế hoạch năm 2016 đạt doanh thu 12.000 tỷ đồng
Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, ACV xác định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, tăng cường năng lực khai thác của các cảng hàng không hiện hữu và tập trung nguồn lực đầu tư Cảng HKQT Long Thành. Đồng thời, ACV sẽ xây dựng phương án xã hội hóa đầu tư một số công trình hàng không.
Tổng Công ty dự kiến sẽ phục vụ hơn 73 triệu lượt khách, tăng 12,4% so với sản lượng đạt được năm 2015. Với mức sản lượng này, ACV dự kiến doanh thu vào khoảng 12.095 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.056 tỷ đồng chưa tính đến ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá. Cổ tức cho năm 2016 dự kiến là 5%.
Dự kiến, ACV chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016. Kế hoạch 2016 trong giai đoạn sau ngày 1/4, ACV dự kiến đạt 8.932 tỷ đồng doanh thu và 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
ACV sẽ dành 5.800 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư một số dự án chuyển tiếp từ năm 2015 và các dự án mới. Trong đó đáng chú ý là một số dự án lớn như mở rộng nhà ga Quốc tế - CHKQT Tân Sơn Nhất (1.066 tỷ đồng), xây hệ thống đường lăn và mở rộng sân đỗ máy bay CHKQT Phú Quốc (798 tỷ đồng), mở rộng nhà ga hàng khách CHKQT Phú Quốc (696 tỷ đồng), xây nhà ga hành khách CHKQT Cát Bi (500 tỷ đồng), đường tầng và sân đỗ ô tô CHKQT Cát Bi (723,5 tỷ đồng)...
Bầu cử HĐQT và BKS
Đại hội tiến hành bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát ACV. Danh sách nhân sự trúng cử như sau:
Hội đồng quản trị ACV:
1. Nguyễn Nguyên Hùng (Chủ tịch HĐQT)
2. Ông Lê Mạnh Hùng
3. Bà Lệ Thị Diệu Thúy
4. Đào Việt Dũng
Ban Kiểm soát ACV:
1. Huỳnh Thị Diệu
2. Lê Thị Hương Giang
3. Hoàng Thị Thành
Trường Văn