Hình ảnh minh họa: Quý Hòa.

 
Nhật Lệ Thứ Năm | 15/09/2022 17:52

ACBS: Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 20,7 tỉ USD

ACBS ước tính, từ đầu năm đến cuối tháng 6/2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra tới 15 tỉ USD và bán thêm 5,7 tỉ USD từ tháng 7/2022.

Công ty Chứng khoán ACBS mới đây đã công bố báo cáo về tình hình vĩ mô trong tháng 8. Theo đó, số liệu từ ACBS cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỉ giá giao ngay chào bán giao dịch tại Ngân hàng Nhà nước (lần thứ 3 trong năm 2022) vào chiều ngày 7/9/2022 (là tỉ giá chào bán USD của các ngân hàng thương mại mua USD của Ngân hàng Nhà nước) thêm 300 đồng (tăng từ 23.400 lên 23.700 đồng/USD) dưới áp lực phải bán USD cho các ngân hàng thương mại lớn trong thời gian gần đây. 

ACBS ước tính, từ đầu năm đến cuối tháng 6/2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra tới 15 tỉ USD; kể từ tháng 7/2022, khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỉ giá chào bán từ 23.250 đồng lên 23.400 đồng, ACBS ước tính thêm 5,7 tỉ USD đã được bán ra, dẫn đến dự trữ ngoại hối giảm xuống còn khoảng 90 tỉ USD. Như vậy, theo ước tính của ABC, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 20,7 tỉ USD trong những tháng đầu năm 2022. 

 

Số liệu từ ACBS, đồng VND trên thị trường liên ngân hàng mất giá từ đầu tháng 4/2022 chủ yếu do áp từ việc tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn. Tính đến cuối tháng 8/2022, tỉ giá USD/VND của giao dịch tại các ngân hàng thương mại đứng ở mức 23.451 đồng (+2,93% so với cùng kỳ năm 2021 và +2,74% từ đầu năm). Bên cạnh đó, tỉ giá tại thị trường tự do cũng tăng mạnh lên 24.060 đồng (+2,44% so với đầu năm và 4,47% so với cùng kỳ năm 2021).

Nhìn chung, đồng USD đã tăng mạnh từ đầu năm với chỉ số Dollar Index (DYX) vượt qua mức 110, đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ và tăng giá gần 15% so với đầu năm. ACBS đánh giá đồng USD mạnh đã được góp phần bởi nhiều yếu tố bao gồm việc Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất và sự suy yếu thấy rõ của đồng Bảng Anh và đồng EUR khi các nền kinh tế này đang đối mặt với hậu quả của chi phí năng lượng tăng cao và việc Nga "vũ khí hóa" thị trường khí đốt nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế của nhiều quốc gia phương Tây.

 

Ngoài ra, đồng Yên Nhật Bản, đồng Won Hàn Quốc, đồng Baht Thái Lan và đồng Ringgit của Malaysia cũng chịu áp lực mất giá bởi các đợt tăng lãi suất mạnh của Fed, vốn cũng mất giá đáng kể từ đầu năm 2022. Trước đây, VND đã chịu áp lực khi DXY mạnh lên, điều này góp phần vào các động thái từ Ngân hàng Nhà nước gần đây.

ACBS đánh giá các yếu tố vĩ mô trong nước tiếp tục hỗ trợ tích cực cho VND, tuy nhiên những rủi ro bên ngoài từ việc các Ngân hàng Trung ương toàn cầu tăng lãi suất và thực hiện thắt chặt định lượng (QT) để chống lạm phát gây áp lực giảm giá đối với VND. Cùng với đó, Fed và các Ngân hàng Trung ương lớn sẽ sớm thu hẹp bảng cân đối kế toán và sẽ gây áp lực giảm giá đối với VND trong những tháng tới. 

Ngoài ra, chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc và rủi ro suy thoái ở Mỹ và EU cũng gây áp lực giảm giá đối với VND. Rủi ro suy thoái gia tăng, dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và EU có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, vốn là động lực tăng trưởng kinh tế chính. 

“Nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn ghi nhận những yếu tố cơ bản tương đối tốt và các yếu tố sẽ giúp VND nói chung (trong hệ thống ngân hàng và chợ đen) tăng giá và ổn định trong những tháng sắp tới của năm 2022”, ACBS đánh giá. 

ACBS điều chỉnh kỳ vọng rằng VND có thể mất giá cao nhất dao động từ 2,5-3,0% trong năm 2022, tức là tỉ giá giao ngay chào bán giao dịch tại Ngân hàng Nhà nước tối đa đạt 23.700 - 23.750 VND/USD.

Có thể bạn quan tâm:

190.671 lệnh đã được đặt trong ngày đầu tiên giao dịch lô lẻ