Thứ Ba | 15/04/2014 11:30

ACB trở lại cuộc đua

Khép cửa với vàng, ít nợ xấu bất động sản, ACB đã sẵn sàng trở lại cuộc đua giành vị trí dẫn đầu.
Mùa đại hội cổ đông ở các ngân hàng năm nay hứa hẹn sẽ sôi động, mỗi ngân hàng đều có những vấn đề chiến lược cần giải quyết sau một năm kinh doanh chật vật; ACB cũng thế. Kỳ đại hội này sẽ ghi nhận thời khắc quan trọng khi ngân hàng này chính thức đón nhận sự trở lại của các thành viên sáng lập, khép chặt quá khứ với vàng để trở lại cuộc đua ở tốp các ngân hàng dẫn đầu.

Trụ lại top 5

Tính hết năm 2013, tổng tài sản của ACB giảm đến 68,6% so với năm 2011. Dù giảm sâu như vậy nhưng ACB vẫn nằm trong nhóm 5 ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản lớn nhất trên thị trường (năm 2011 quy mô tài sản của ngân hàng này là lớn nhất trong khối các ngân hàng tư nhân, theo số liệu của Stoxplus).

Số tài sản "bốc hơi" này là do ACB đã kiên quyết tất toán trạng thái vàng cho dù có phải chấp nhận thua lỗ. Tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào cuối tháng 12.2012, Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết sự chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước đã gây ra số lỗ lớn trên 1.700 tỉ đồng cho ACB vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, chính việc loại vàng ra khỏi bảng cân đối tài sản lại đem đến một cái nhìn chính xác hơn về tình trạng sức khỏe của ACB. Chẳng hạn, năm 2013, các chỉ tiêu tăng trưởng huy động và tín dụng năm 2013 của ACB cho thấy ngân hàng này đang tăng trưởng thấp hơn nhiều so với thị trường, với lượng vốn huy động được giảm 1,9% và tín dụng chỉ tăng 4,3% so với năm 2012. Trong khi đó, nếu loại trừ các khoản tất toán vàng và liên quan đến vàng thì huy động và tín dụng lại tăng trưởng lần lượt 10,3% và 14%, nghĩa là cao hơn mức trung bình của thị trường.

Việc trụ lại trong top 5 của ACB sau sự cố Bầu Kiên còn do chiến lược tăng trưởng tín dụng thận trọng của ngân hàng này, đặc biệt là việc dè chừng các khoản vay liên quan đến bất động sản. Trong lúc hầu như toàn thị trường ngân hàng hăng hái đổ vốn vào bất động sản thì tỉ trọng dư nợ cho vay trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản của ACB duy trì ở mức thấp trong nhiều năm liên tục. Theo báo cáo thường niên năm 2012, dư nợ tín dụng dành cho lĩnh vực này chỉ chiếm 4,3% trong tổng dư nợ tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ trọng dư nợ trong lĩnh vực này trên toàn hệ thống là hơn 8% vào cuối năm 2012. Kết quả là phần lớn nợ xấu của ngân hàng xuất phát từ lĩnh vực này, với 70% trong tổng số nợ xấu được VAMC mua lại đến từ bất động sản.

Những con số trên cho thấy ACB vẫn có một vị thế hấp dẫn nhất định trên thị trường. Vị thế này có được nhờ nền tảng vững chắc mà ACB đã xây dựng được từ trước đây. Ở kỳ đại hội này, cổ đông vẫn đang trông đợi một kế hoạch trở lại dẫn đầu thị trường của ban điều hành.

Những tín hiệu mới

Kỳ đại hội cổ đông thường niên lần này ACB không có nhiều thay đổi như năm ngoái. Theo tờ trình kế hoạch kinh doanh trong năm nay, định hướng hoạt động chung của ACB vẫn là "giải quyết các vấn đề tồn đọng, củng cố nền tảng hoạt động và tiếp tục khôi phục dần quy mô hoạt động".

Tuy nhiên, các mục tiêu tăng trưởng mà ACB đặt ra đều cao hơn năm ngoái. Theo đó, tăng trưởng huy động và tín dụng dự kiến ở mức 13%. ACB cũng có tham vọng tăng mạnh tổng tài sản trở lại với mức tăng trưởng lên đến 14%. Tham vọng này được đánh giá là khả thi khi có những tín hiệu mới xuất hiện cho phép ACB tập trung vào các hoạt động cốt lõi của một ngân hàng bán lẻ.

Đầu tiên là việc ACB chấm dứt duyên nợ với vàng. Năm 2013, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng chỉ còn lỗ hơn 77 tỉ đồng. Ngoài việc tất toán trạng thái vàng, ACB còn giảm dần những khoản nợ về vàng và dần rút khỏi các hoạt động tài chính nhiều rủi ro.

Việc loại bỏ vàng ra khỏi cuộc chơi sẽ thay đổi hoàn toàn cấu trúc của bảng cân đối tài sản. Ở thời kỳ đỉnh cao, vàng chiếm phần lớn trong bảng cân đối tài sản của ACB. Năm 2011, tỉ trọng tài sản tính theo vàng so với tổng tài sản lên đến mức kỷ lục là 19,67%, nhưng đến năm 2013 chỉ còn 0,53%.

Đặc biệt, đối với mảng ngân hàng bán lẻ, ACB vẫn thuộc top 3 trong khối ngân hàng tư nhân với 344 chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước tính đến cuối năm 2013. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013, tỉ trọng dư nợ cho vay cá nhân của ACB lên đến 42,5%, trong khi Sacombank dù có quy mô bán lẻ lớn hơn nhưng tỉ lệ này chỉ 39,8%.

Với những thay đổi này, có vẻ như thị trường lại được nhìn thấy một ACB của những ngày đầu, với sự dẫn dắt của ban quản trị và điều hành cũ, trong đó có người sáng lập Trần Mộng Hùng. Kể từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động dưới sự điều hành của ông Hùng, ACB luôn là ngân hàng có vị thế hàng đầu trong ngành về quy mô tổng tài sản, vốn huy động, dư nợ cho vay và lợi nhuận. Theo bản cáo bạch, vào cuối năm 2005, một mình ACB đã chiếm 20% thị phần huy động và 12,11% thị phần cho vay trong khối ngân hàng tư nhân. Tốc độ tăng trưởng của ACB trong giai đoạn này cao gấp 2,5 lần tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng Việt Nam.

Chính thức khép cửa với vàng, đồng thời có lợi thế do không vướng quá nhiều vào nợ xấu bất động sản và sự trở lại của người cũ, ACB dường như đã sẵn sàng trở lại cuộc đua giành vị trí dẫn đầu.

Nguồn Gafin/ NCĐT


Sự kiện