Thứ Sáu | 26/04/2013 11:28

ACB đã bán cổ phần tại Eximbank và có lãi

ACB cũng đã chuyển nhượng phần đầu tư vào KienLongBank và không lỗ. Ngân hàng đã tất toán xong trạng thái vàng và dư nợ vàng bằng 0.
Sáng nay 26/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013.

Tại Đại hội, trả lời những câu hỏi liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên, Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết, đợt đầu, công ty của ông Kiên nợ ACB hơn 9.000 tỷ đồng, sau đó ACB xử lý được hơn 2.000 tỷ và còn dư nợ 7.400 tỷ. Hiện khoản tài sản đảm bảo đủ để trừ nợ.

Về khoản đầu tư liên quan đến 6 công ty của bầu Kiên, Ban Kiểm soát ACB cũng cho biết, ngân hàng chỉ có 30 tỷ đầu tư vào 1 công ty duy nhất đó là Công ty đầu tư Hà Nội. Hiện nay ngân hàng đang làm thủ tục chuyển nhượng.

Trong danh mục đầu tư, ACB tập trung đầu tư vào các công ty con, các doanh nghiệp cốt lõi và chỉ có hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào các công ty khác. Hiện các khoản đầu tư được ACB quản lý chặt chẽ, xem xét khoản nào có hiệu quả thì mới duy trì, khoản nào không hiệu quả được xem xét bán đi thu hồi vốn.

Còn đối với khoản đầu tư vào công ty thủy sản Bình An, Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn thông tin thêm, ACB đã thu toàn bộ nợ gốc và lãi, hiện dư nợ bằng 0 tại Bình An.

Ngoài ra, ACB không cho Vinashin vay, mà chỉ cho Vinalines vay, xấp xỉ 700 tỷ đồng. Khách hàng đã trả một phần lãi và ACB đã điều chỉnh theo cơ cấu của Nhà nước.

Về khoản tiền gửi tại Vietinbank hơn 718 tỷ đồng, lãnh đạo ACB khẳng định ACB hoàn toàn có khả năng thu hồi được. Hiện cơ quan công an đang xét xử.

Liên quan đến sở hữu chéo, theo ông Toàn, ACB không sở hữu nhiều cổ phần tại các TCTD. Hiện ACB đã bán, chuyển nhượng cổ phiếu Eximbank và đã có lãi. Ngân hàng sẽ tính vào lợi nhuận năm 2013.

Ngân hàng cũng đã bán xong phần đầu tư vào KienLongBank, cũng không lỗ. Ở ngân hàng Vietbank, ACB không đầu tư quá 5% và sẽ thoái vốn khỏi ngân hàng này.

Về lợi nhuận thấp, ngân hàng có nhiều vấn đề phải xử lý, kinh tế khó khăn nên ngân hàng đặt kế hoạch thận trọng.

Ông Toàn cũng cho biết thêm, về trạng thái vàng, hiện ACB đã tất toán xong toàn bộ, dư nợ đang bằng 0. Trong khi đó, trên liên ngân hàng, ACB đang đi vay và cho vay có hiệu quả.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc tại sao HĐQT lại quyết định mua cổ phiếu quỹ thời điểm này, lãnh đạo ACB cho biết, hiện giá cổ phiếu ACB đang thấp, là hợp lý để mua vào nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Hết năm 2013, thị trường phát triển trở lại thì ACB sẽ bán cổ phiếu này để tăng lợi nhuận.

Theo báo cáo của HĐQT và Ban điều hành, năm 2012, ngân hàng ACB đạt mức lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 1.480 tỷ đồng, giảm mạnh 67% so với 4.455 tỷ đồng của năm 2011. Chi phí dự phòng rủi ro tăng hơn 80% và chi phí hoạt động tăng 38%. LNTT chỉ đạt 963 tỷ đồng, giảm mạnh so với 4.174,6 tỷ của năm 2011

Tại thời điểm cuối năm 2012, ACB có hơn 2.500 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 2,5% trên tổng dư nợ.

Tổng tài sản giảm trên 100 nghìn tỷ đồng so với năm 2011, xuống 176 nghìn tỷ do huy động vốn giảm, huy động liên ngân hàng, các khoản phải thu, phải trả liên quan đến vàng giảm khi ngân hàng thực hiện đóng trạng thái theo yêu cầu của NHNN (riêng huy động vàng giảm 27 nghìn tỷ).

HĐQT ngân hàng trình kế hoạch tăng tổng tài sản lên 183 nghìn tỷ; huy động vốn và tăng trưởng tín dụng cùng ở mức 12%; lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng.

Kế hoạch hoàn nhập hơn 663 tỷ đồng vào lợi nhuận chưa phân phối năm 2012 để mua cổ phiếu quỹ cũng là một nội dung được trình trong đại hội lần này. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chia năm 2012 là 6,86% bằng tiền mặt.

Đáng lưu ý, HĐQT đã bổ sung một nội dung đó là trình cổ đông về việc thành lập công ty kinh doanh vàng ACB với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. HĐQT cho biết, trước đây ACB đã xin ý kiến về việc này nhưng NHNN trong năm 2012 tạm thời chưa chấp thuận.

Về nhân sự dự kiến cho nhiệm kỳ 2013 - 2018, NHNN đã chấp thuận danh sách đề cử HĐQT của ACB gồm 11 thành viên (trong đó có tới 9 người đương nhiệm) và Ban kiểm soát gồm 4 thành viên.

Nguồn CafeF


Sự kiện