ABA chọn lối đi riêng
Mekong Capital vừa cho biết đã cam kết đầu tư vào Công ty cổ phần Giải pháp Thương mại ABA. Số tiền không được tiết lộ nhưng theo thông tin bên lề, Mekong Capital có thể sẽ dành hạn mức tối đa để giải ngân cho ABA. Ông Chad Ovel, Tổng Giám Đốc Mekong Capital, tin rằng, với sự tham gia của Mekong Capital, ABA sẽ phát triển nhanh chóng và cạnh tranh thành công với các đối thủ đa quốc gia.
Ở góc độ thị trường, khoản rót vốn không giống với khẩu vị thường thấy ở Mekong Capital. Lần đầu tiên, một công ty trong ngành logistics lọt vào tầm ngắm của quỹ này. Chính vì thế, sự tò mò dành cho ABA lại càng nhiều hơn.
ABA bước chân vào ngành logistics khá muộn, chỉ mới hoạt động được 8 năm. Tuy nhiên, khác với hơn 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành vận tải, ABA chọn con đường riêng. Đó là chỉ chuyên chở hàng lạnh. Lúc mới thành lập (năm 2008), cả thị trường gần như không ai tham gia phân khúc này nên Vinamilk, Unilever, Kinh Đô... phải tự mua xe tổ chức vận tải riêng. Sự ra đời của ABA đã phần nào giúp các nhà sản xuất chuyển hoạt động logistics ra bên ngoài.
Đến nay, nếu chỉ xét về vận tải lạnh, ABA luôn là cái tên dẫn đầu. Lượng xe do ABA sở hữu đã lên tới 80 chiếc, với đủ kích cỡ. Theo ông Lương Quang Thi, Tổng Giám đốc ABA, thùng xe lạnh có thiết kế tương tự như tủ lạnh nên chi phí mua sắm xe lạnh thường gấp 2-3 lần xe thường. Vì thế, chỉ riêng với lượng xe hiện tại, vốn đầu tư của ABA đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. Trong 4-5 năm tới, để phát triển đội xe gấp 5 lần, ABA cần rót vốn mạnh hơn. Đặc biệt, để có thể cung cấp trọn vẹn các giải pháp logistics, Công ty cần có các kho lạnh. Năm 2016, Công ty đã đầu tư kho lạnh ở Hà Nội thông qua mua bán sáp nhập (M&A). Sắp tới đây, ABA sẽ mở thêm nhiều kho lạnh dưới hình thức M&A hoặc tự lập kho.
Với kế hoạch đầu tư mở rộng này, ABA phải gọi thêm vốn bên ngoài. Nhưng ông Thi nhấn mạnh, ABA bắt tay với Mekong Capital chứ không phải một tổ chức nào khác là bởi quỹ này có thể giúp ABA tiếp cận với chuyên gia giỏi nhất trong ngành, hỗ trợ Công ty đạt tới khả năng thực hành tốt nhất, theo chuẩn mực quốc tế.
Có thể thấy, ở ngành logistics, Việt Nam đi sau các nước tiên tiến đến vài chục năm. Trong khi DHL, Kuehne + Nagel hay DB Schenker đã cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng trọn gói thì các doanh nghiệp logistics Việt Nam như Viconship, Sotrans, Transimex, Gemadept... chỉ mới tham gia ở vài công đoạn đơn giản. Vì thế, theo ông Thi, muốn cạnh tranh quốc tế, ABA cần sự giúp sức của những chuyên gia hàng đầu thế giới. “Ngành logistics không cần nhiều sáng tạo, chỉ cần chịu khó, học theo và áp dụng các thực hành tốt nhất từ các mô hình tiên tiến thì sẽ phát triển”, ông Thi đánh giá.
Trên thực tế, ngay từ khi thành lập, ABA đã tìm cách áp dụng chuẩn mực quốc tế vào Công ty. Từ năm 2011, ABA đã đạt chứng nhận ISO của TÜV Rheinland (Đức). Hay ABA cũng đưa ứng dụng ERP, TMS vào trong tổ chức, quản lý. Dù vậy, ông Thi cho biết: “Với đặc điểm ở Việt Nam, công nghệ chỉ là một phần, chưa đáng kể lắm trong sự phát triển ở ABA”.
Sự phát triển của ABA trước hết bắt nguồn từ quan điểm kinh doanh“A be A”, tức “có nói có, không nói không”. Vì nguyên tắc này, nên dù nhiều nơi tìm cách chở quá tải để hạ giá và tăng lợi nhuận, ABA vẫn vận chuyển đúng tải. Ban đầu, Công ty có phần thua thiệt nhưng càng về sau, khi hợp tác kinh doanh ngày càng chuộng tính ổn định và nghiêm túc thì ABA lại có chỗ đứng. Đặc biệt, với quy định siết chặt tải trọng, ABA càng có lợi thế cạnh tranh.
Hiện tại, giá cả giữa các công ty đã khá tương đồng, nên cạnh tranh lại chủ yếu đi về chất lượng. Ông cho biết: “Ngành vận tải lạnh nếu biết làm và chịu khó thì không lỗ. Khác với vận tải hàng khô chỉ cần chất hàng lên xe là đủ, ở nhóm hàng lạnh, các công ty chuyên chở phải biết điều chỉnh nhiệt độ thích hợp, đảm bảo giữ đúng nhiệt mọi lúc. Đây là công việc đòi hỏi phải “có nghề”, bởi mỗi loại hoa quả, rau củ, thịt cá... đều có những quy định về nhiệt độ bảo quản riêng”.
Ông Thi có chuyên môn về bảo quản nhiệt độ. Trước khi lập ABA, ông Thi có 4 năm làm cho Tập đoàn Bourbon (Pháp) với phần lớn thời gian quản lý siêu thị ở Cora. 6 năm sau, ông giữ vị trí Giám đốc Kinh doanh cho một hãng xe đông lạnh của Pháp. Cho tới bây giờ, ông Thi vẫn tự hào mình là thế hệ đầu tiên có nghiệp vụ về bảo quản nhiệt độ. Ông Thi còn cho lập hẳn một bộ phận để chuyên lo các công việc tập huấn, đào tạo nghề bảo quản nhiệt độ cho nhân viên và lái xe ở ABA.
Chính ở chỗ “có nghề” này mà ABA đã “chiêu dụ” được nhiều khách hàng lớn, từ nhà bán lẻ như Big C, Metro,Vinmart, Satra.. đến nhà sản xuất là Vinamilk, TH Milk, Unilever, Kinh Đô, Bell... hay chuỗi nhà hàng như Tokyo Deli, Wrap & Roll, Häagen-Dazs... Chiến lược tập trung vào nhóm khách hàng lớn cũng giúp ABA nâng cao uy tín và thêm điều kiện cọ sát về chất lượng. Để phục vụ khách hàng tốt hơn, ABA còn mời một số chuyên gia trong những ngành nghề bán lẻ, thực phẩm, ngành lạnh... tham gia vào Công ty. Cách thức này giúp ABA am hiểu về đặc điểm ngành nghề của khách hàng, qua đó có thể vạch ra giải pháp cung cấp dịch vụ logistics phù hợp.
Trên thực tế, để lọt vào “mắt xanh” của những khách hàng như McDonald’s, Unilever... ABA phải qua được “vòng đấu loại” với không ít tên tuổi đến từ nước ngoài. Sở dĩ ABA có thể đánh bật được các đối thủ nước ngoài, một phần vì Công ty đã là đối tác, tham gia vào một vài mắc xích cho hãng vận tải DHL. “Làm cho DHL không dễ dàng gì, phải đáp ứng nhiều yêu cầu ngặt nghèo nhưng chúng tôi vẫn sẵn lòng bởi đó là cách ngắn nhất để chúng tôi học lấy kinh nghiệm của họ”.
Làm cho DHL hay làm cho các khách hàng khác, biên lợi nhuận của ABA chỉ khoảng từ 3-5%. Nhưng đây là biên lợi nhuận cao nhất trong ngành vận tải. Vì thế, theo ông Thi, nhiều nhà đầu tư không ham thích bước chân vào ngành này. Dù vậy, đây lại là ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt. Theo Euromonitor, quy mô ngành lạnh của Việt Nam có thể vượt qua cột mốc 1 tỉ USD vào năm 2020. Với triển vọng đó, cộng thêm nhu cầu khách hàng ngày càng chú trọng bảo quản để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, theo ông Thi, “dịch vụ logistics lạnh tích hợp sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ”.
Ngọc Thủy