Ðã đến lúc phải thu hút dự án tỉ đô!
Câu chuyện “phải kéo được người dẫn đầu” nhắc Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về khoảng thời gian năm 2004. Khi đó, Intel đứng trước 3 lựa chọn điểm đầu tư là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của tập đoàn này, thậm chí còn lập một “tổ đặc nhiệm” để đàm phán với Intel, gồm Giáo sư Nguyễn Mại (thành viên tổ tư vấn kinh tế đối ngoại của Chính phủ làm Tổ trưởng), ông Chu Hảo (Thứ trưởng Bộ Công Thương), ông Nguyễn Bích Đạt (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Phan Hữu Thắng (Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài) và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Đó là lần đầu tiên và duy nhất có quyết định của Thủ tướng về việc lập một “tổ đặc nhiệm” đàm phán về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Intel đưa ra 28 yêu cầu, trong đó có những yêu cầu không chấp nhận được, có những yêu cầu phải đàm phán, còn hơn 10 yêu cầu không phải đàm phán vì đã được quy định trong các luật. Trước đối tác, “tổ đặc nhiệm” có thể quyết định ngay những vấn đề 2 bên quan tâm.
Với giấy phép được cấp, tháng 1.2006, Intel công bố dự án đầu tư 300 triệu USD để xây dựng cơ sở mới và chỉ 10 tháng sau, tập đoàn này công bố tăng quy mô nhà máy lắp ráp và kiểm định chip từ 14.000 m2 lên 46.000 m2, đồng thời nâng tổng mức đầu tư lên 1 tỉ USD. Tính đến cuối tháng 6.2014, Intel Việt Nam đã tạo hơn 1.000 việc làm, tạo ra các hiệu ứng đa chiều thông qua các nhà phân phối địa phương.
“Việt Nam cần thu hút những dự án FDI lớn, có tác dụng lan tỏa như Intel, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay”, ông Mại nhận định.
Cách vận động đầu tư tốt nhất, theo kinh nghiệm của ông Mại, vẫn là người đi trước kéo người đi sau. Sau này, Bắc Ninh cũng chọn cách làm này, trực tiếp vận động Samsung đến đầu tư, với cam kết tạo điều kiện tốt nhất. Samsung đã không vào Hòa Lạc, nơi có diện tích 1.200 ha, hạ tầng tương đối đầy đủ mà chọn Bắc Ninh, sau đấy là Thái Nguyên.
Về vấn đề thu hút các dự án FDI lớn, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng nước sở tại chỉ có tính chất thúc đẩy, còn quyết định nằm ở chiến lược kinh doanh của các tập đoàn.
Cũng dẫn chứng từ câu chuyện Samsung dịch chuyển sản xuất về Việt Nam, ông Tú Anh nói tập đoàn Hàn Quốc này được “lợi cả đôi đường”. Thứ nhất là để tránh chi phí lương cao. Thứ 2, Bắc Ninh, Thái Nguyên ở gần Trung Quốc, nên họ vẫn dùng được máy móc, thiết bị từ Trung Quốc chuyển sang. Bản chất kinh doanh là lợi nhuận và Samsung đã tận dụng tối đa “quyền mặc cả”, đòi thêm phần lợi cho mình, ngay cả khi mọi điều kiện đầu tư vào Việt Nam đều thuận lợi.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải dành cho họ những ưu đãi nhất định để thu được thuế, có thêm nhiều việc làm. Điều này thể hiện thiện chí, cũng như sự công bằng với các nhà đầu tư.
Thực vậy, Việt Nam cần có những dự án cam kết lâu dài như Intel, Samsung để có thể dùng FDI như một bàn đạp thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển. Bằng chứng là việc Samsung đầu tư vào Việt Nam (từ năm 1996) đã góp phần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Ông Bang Hyunwoo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Điện tử Việt Nam, cho biết tỉ lệ nội địa hóa linh kiện sản xuất của Samsung tại Việt Nam hiện nay vào khoảng 36%. 70% hoạt động sản xuất của Samsung tại 2 nhà máy SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là sản xuất các linh kiện điện thoại, 30% còn lại dành cho các công đoạn lắp ráp sản phẩm hoàn thiện. Tất cả các sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất của Samsung Điện tử như Galaxy Note 5, Galaxy S7, Galaxy S7 Edge... đều được sản xuất tại Việt Nam.
Cũng theo ông Bang Hyunwoo, môi trường đầu tư của Việt Nam rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ, có kỹ năng và làm việc chăm chỉ. Ông cũng nhận xét cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư và cho đây là “yếu tố khiến Việt Nam rất cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á”. Tuy nhiên, ông cũng nói đó “không phải là yếu tố quan trọng duy nhất” thu hút dòng vốn đầu tư của Samsung vào Việt Nam.
Cũng như Samsung, các nhà đầu tư lâu nay quan ngại nhất vẫn là thể chế, hạ tầng và những chi phí phi chính thức. Từ kinh nghiệm của mình, Giáo sư Nguyễn Mại khuyến cáo, tới đây khi tiếp nhận các dự án lớn, nhất là dự án từ các nước tham gia OECD, cần lưu ý các quy định của khối này về chống tham nhũng. Hơn nữa, trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia, minh bạch là chuyện phải chú ý. Vấn đề này trước đây trong Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ cũng đã được đề cập nhưng ở mức độ thấp hơn.
TPP cũng “nói nhiều” đến vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ. Hiện nay, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam về cơ bản đã cập nhật với thế giới, nhưng thực thi vẫn là vấn đề khiến các nhà đầu tư nản lòng.
Vì thế, cần có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lớn rót vốn vào Việt Nam.Thông thường, một nhà đầu tư vào Việt Nam phải tìm hiểu chính sách. Muốn biết thủ tục về thuế phải đến Bộ Tài chính, muốn đăng ký thì đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, muốn biết về hải quan thì phải đến Tổng cục Hải quan... Các tập đoàn lớn như Intel hay Samsung không làm như vậy, không đi từng nơi để tìm hiểu, hoàn tất thủ tục.Từ kinh nghiệm “tổ đặc nhiệm” trước đây, ông Mại cho rằng các địa phương có thể áp dụng trong trường hợp có những dự án lớn, cần phải tư vấn trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh, tránh cho các nhà đầu tư khỏi mất thời gian đi đến các bộ, ngành như hiện nay.
Vấn đề ông Mại đang lo ngại là “quyền lựa chọn nhà đầu tư” không thuộc Chính phủ, mà đã được phân cấp về các tỉnh, trưởng ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Chính phủ vừa được cơ cấu lại, chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Những người mới được bổ nhiệm vào các vị trí quyết định những vấn đề liên quan đến đầu tư nước ngoài cần “thực thi đúng quyền được lựa chọn” của mình và không nên “bất chấp tất cả” để thu hút FDI, theo ông Mại.
Hải Vân