Thứ Sáu | 28/09/2012 07:21

99% doanh nghiệp xuất khẩu không quản trị rủi ro

Chuyện gặp rủi ro trong giao thương đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là khá phổ biến.
Đó là thông tin được ông Phạm Đình Trọng, Cục phó Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đưa ra trong Hội nghị bảo hiểm tín dụng xuất khẩu do Bộ Tài chính và Bộ Công thương tổ chức ngày 27/9 tại TPHCM.

Trong khi đó, ông Trọng cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn thiếu thông tin, chưa quen, chưa chuẩn bị ngân sách cho việc mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và có quan niệm nếu mua sẽ làm tăng chi phí mặc dù Nhà nước sẽ hỗ trợ 20% phí bảo hiểm gốc của hợp đồng bảo hiểm và Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn tiền.

Vì vậy, mục tiêu tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vào cuối năm 2013 khó mà đạt được khi số doanh nghiệp mua bảo hiểm rất thấp. Từ đầu năm đến tháng 9/2012, có 4/7 doanh nghiệp bảo hiểm được chọn thí điểm triển khai sản phẩm này và mới chỉ có 6 hợp đồng với mức phí 471 tỷ đồng.

Theo ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu giúp nhà xuất khẩu khỏi lo rủi ro bị trốn nợ. Hiện nay đa số doanh nghiệp đều thanh toán theo hình thức trả sau, giao toàn bộ chứng từ hàng hóa cho bên mua thì mới được trả tiền nên khả năng rủi ro là 100%.

Bà Võ Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Coface Việt Nam, cho biết thêm trong trường hợp khách hàng không thanh toán do phá sản, mất khả năng thanh toán và nhà nhập khẩu trì hoãn thanh toán, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ bồi thường từ 90% đến 95% hạn mức hợp đồng doanh nghiệp xuất khẩu đã ký với doanh nghiệp bảo hiểm. Trường hợp rủi ro về chính trị như chiến tranh, bạo loạn cũng được bảo hiểm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thắc mắc về việc không chi trả bảo hiểm đối với tranh chấp thương mại, trong khi phần lớn giao dịch thương mại đều xảy ra tranh chấp. Phía doanh nghiệp bảo hiểm trả lời rằng chỉ bảo hiểm trường hợp rủi ro bất ngờ, nếu bảo hiểm luôn tranh chấp thương mại thì sẽ xảy ra vấn đề trục lợi bảo hiểm, móc ngoặc giữa người bán và người mua.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện