semiconvn.com

 
Hải Vân Thứ Ba | 28/11/2017 17:00

95% xuất khẩu điện tử của Việt Nam đến từ doanh nghiệp FDI

Hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI, Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới.

Nhân công giá rẻ và chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài, đang là hai yếu tố cơ bản thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử, tạo ra mức tăng trưởng rất cao những năm gần đây.

Mức tăng trưởng công nghiệp điện tử tới trên 30% mỗi một năm kể từ 2013 đến 2016, đã làm thay đổi rất mạnh cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu tài nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem), nhận xét tại Hội thảo “Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam”, ngày 28.11.

Tiến sĩ Tuệ Anh nói kết quả này, đáp ứng mục tiêu chiến lược là một trong những ngành tạo ra mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam, với những sản phẩm mang tính trọng điểm, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam.

Thế nhưng, 95% kim ngạch xuất khẩu của điện tử Việt Nam, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đến chủ yếu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng Samsung, xuất khẩu năm 2017 dự kiến đạt mức 70 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng xuất khẩu của Việt Nam, khoảng hơn 200 tỷ USD, theo tính toán của Ciem.

Vốn FDI vào công nghiệp điện tử do các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore và Nhật chiếm phần lớn, một số quốc gia khác chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, dù công nghiệp điện tử đã làm thay đổi cơ cấu FDI vào Việt Nam.

Quy mô của ngành công nghiệp điện tử gia tăng nhanh những năm trở lại đây, nhưng dẫn dắt ngành vẫn chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Phó Viện trưởng Ciem cho đây là “vấn đề rất lớn”.

Nhằm phát triển công nghiệp điện tử giai đoạn tới, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, nhấn mạnh lĩnh vực công nghiệp điện tử và viễn thông. Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1290/QĐ-TTg ngày 1.8.2014 về Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử từ thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Thực tế, số lượng các doanh nghiệp công nghiệp điện tử tăng nhanh trong giai đoạn ngắn, gồm 2 thành phần kinh tế là khu vực dân doanh và FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel… kéo theo sự xuất hiện hàng loạt các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện cho các sản phẩm điện tử.

Phát triển rất mạnh, nhưng ông Cao Bảo Anh, Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, thừa nhận, thị trường điện tử Việt Nam đang “mất cân đối nghiêm trọng” do phát triển “không có chiến lược dài hạn”.

Một thời gian dài, ở Việt Nam đã có quá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp điện tử. Sản phẩm có thị tường lớn nhưng kinh doanh sôi động nhất Việt Nam hiện nay lại là các mặt hàng điện tử dân dụng, chiếm tới khoảng 80%, doanh số chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành.

Hiệu suất đầu tư toàn ngành thấp, hệ số ICOR cao hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển ngành công nghiệp điện tử như Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc. Công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm (R&D) của các doanh nghiệp Việt còn yếu.

Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện gia công sản phẩm, chưa thực hiện được các công đoạn “chế biến sâu” trong chuỗi giá trị ngành, ông Bảo Anh xác nhận.

Bây giờ, Tiến sĩ Tuệ Anh nói, vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử lan tỏa từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước, không để như năm 2016, doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 95% xuất khẩu điện tử, thậm chí với điện thoại và linh kiện, chiếm tới 99,6%.

Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng thứ 3 trong ASEAN về xuất khẩu sản phẩm điện tử. Vấn đề rất lớn đặt ra cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để có được sự liên kết với DN FDI, như Samsung, để công nghiệp VN có thể tham gia vào chuỗi khu vực và toàn cầu.