Báo Pháp Luật
9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam thu hút 25,48 tỷ USD vốn FDI
Số liệu thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính chung trong 9 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà nhà đầu tư nước ngoài là 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Vốn giải ngân FDI cũng bất ngờ tăng mạnh, đạt khoảng 12,5 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Trong số vốn FDI thu hút được, tổng vốn đăng ký mới đạt 14,56 tỉ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể có 1.844 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, vốn đăng ký tăng thêm 6,75 tỉ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, cùng thời gian trên có 3.742 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,16 tỉ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, cả vốn cấp mới, vốn tăng thêm và vốn giải ngân đều tăng trưởng hai con số.
Kết quả này được cho là tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng có nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là sự lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, theo đối tác đầu tư, có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 6,31 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,91 tỷ USD, chiếm 23,17% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,14 tỷ USD, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư.
Về địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 3,74 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 3,15 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,14 tỷ USD chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư.
D.T
Nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư