Thứ Năm | 04/10/2012 08:59

9 điểm sáng trong xuất khẩu 9 tháng qua

Trong 9 tháng qua, cả nước đã xuất siêu 34 triệu USD. Dự báo năm 2012 có thể là năm đầu tiên trong 20 năm lại đây có xuất siêu.
Xuất, nhập siêu là một nội dung quan trọng của các quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô, mà ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quan trọng của nước ta năm nay. Trong 9 tháng qua, cả nước đã xuất siêu 34 triệu USD.
Những kết quả tích cực

Hoạt động xuất khẩu là một trong những kết quả nổi bật nhất trong 9 tháng đầu năm 2012 của nền kinh tế, mà biểu hiện cụ thể là có nhiều điểm vượt trội.

Thứ nhất, quy mô xuất khẩu đạt khá cao. Mới qua 9 tháng, nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt 83,8 tỷ USD, cao hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu trong cả năm từ năm 2010 trở về trước (năm 2010 đạt 72,1 tỷ USD, năm 2009 đạt gần 57,1 tỷ USD, năm 2008 là gần 62,7 tỷ USD...). Bình quân mỗi tháng đạt trên 9,3 tỷ USD, trong đó có 2 tháng 7 và 8 vượt qua mức 10 tỷ USD.

Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái, một tốc độ tăng mà gần như không có ngành, lĩnh vực nào đạt được.

Thứ ba, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt được ở nhiều nhóm mặt hàng chủ yếu, như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; phân bón các loại; dây điện và dây cáp điện; phương tiện vận tải và phụ tùng...

Thứ tư, đã có 20 nhóm, mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó cao nhất là dệt may (11,25 tỷ USD); tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện (8,55 tỷ USD); dầu thô (6,34 tỷ USD); máy tính, điện tử và linh kiện (5,36 tỷ USD)...

Thứ năm, trong 8 tháng đầu năm nay, đã có 27 nước và vùng lãnh thổ là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (với kim ngạch đạt từ 500 triệu USD trở lên).

Trong đó 21 nước và vùng lãnh thổ đạt từ 1 tỷ USD trở lên, cao nhất là Mỹ (gần 13 tỷ USD), tiếp đến là Nhật Bản (gần 8,7 tỷ USD), Trung Quốc (gần 8,4 tỷ USD), Hàn Quốc (gần 3,5 tỷ USD), Malaysia (gần 2,9 tỷ USD), Đức (trên 2,6 tỷ USD), Hồng Kông (gần 2,2 tỷ USD), Campuchia (gần 1,9 tỷ USD)...

Thứ sáu, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 83,7 tỷ USD, thấp hơn kim ngạch xuất khẩu, nên trong 9 tháng qua, cả nước đã xuất siêu 34 triệu USD.

Mặc dù mức xuất siêu ít, nhưng đây là bước chuyển đổi vị thế quan trọng, bởi nhiều năm qua, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam liên tục nhập siêu. Quy mô nhập siêu trong các năm (từ năm 2007 đến 2010) đều vượt qua 10 tỷ USD, trong đó cao nhất là năm 2008 đã lên đến trên 18 tỷ USD. Năm 2011, mức nhập siêu đã thấp hơn, nhưng vẫn ở mức trên 9,8 tỷ USD.

Thứ bảy, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt kết quả tích cực và lĩnh vực này có xuất siêu lớn.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đã đạt gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực này đã đóng góp 5 mặt hàng có kim ngạch, đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Riêng xuất khẩu gạo đã đạt gần 5,9 triệu tấn (tính đến ngày 15/9).

Với việc nhập gần 1,57 triệu tấn gạo, Trung Quốc đã vượt qua nhiều nước, trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Thứ tám, dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt khoảng 112 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra và lập đỉnh cao mới (năm 2011 đạt 96,9 tỷ USD) và có thể sẽ là năm đầu tiên trong 20 năm lại đây có xuất siêu.
Thứ chín, nhờ có xuất siêu, cán cân thương mại  được cải thiện, đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định được tỷ giá VND/USD (sau 9 tháng, giá USD giảm 0,94% so với VND).
Những hạn chế, bất cập
Bên cạnh nhiều kết quả tích cực, trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu cũng còn bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng là nguyên liệu thô (như dầu thô, than đá, quặng và khoáng sản khác chiếm  gần 10%); là nông sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế chiếm trên 20%;

Trong số hàng chế biến, phần gia công, phụ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài lớn, phần giá trị gia tăng và thực thu ngoại tệ không nhiều. Điều này chứng tỏ mức độ gia công còn lớn, công nghiệp phụ trợ còn yếu kém.

Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác là hơn 10,78 tỷ USD, thì riêng nhập từ Trung Quốc là hơn 3,41 tỷ USD, chiếm gần 1/3.

Tình trạng lạm dụng tạm nhập, tái xuất vẫn diễn ra khá phổ biến.

Nhập khẩu tăng thấp có một phần quan trọng do nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất và tiêu dùng bị co lại, tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện