Thứ Ba | 28/08/2012 08:16

9 điểm nổi bật về sản xuất và xuất khẩu thủy sản quý II/2012

Trong quý II, ngành thủy sản phải đối mặt với tình trạng khó khăn về tiếp cận vốn, giá nguyên liệu giảm, nhập khẩu tăng, sức cạnh tranh giảm...
Theo báo cáo xuất khẩu thủy sản quý II/2012 của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), thực trạng về sản xuất và xuất khẩu trong quý II/2012 thể hiện rõ ở 9 điểm nổi bật:
Sản lượng thủy sản tăng, giá nguyên liệu giảm

Theo thống kê của Tổng Cục Thủy sản, trong quý II/2012, tổng sản lượng thủy sản của cả nước ước đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 39% so với quý I/2012 và tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng khai thác đạt 667 tấn, tăng 19% so với quý I nhưng giảm nhẹ khoảng 0,1% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng đạt 826 tấn, tăng 61% so với quý I và 5,8% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu thủy sản tiếp tục tăng mạnh

Nhập khẩu thủy sản của Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng do nguồn cung trong nước không ổn định, giá nguyên liệu trong nước tăng cao theo chi phí đầu vào.

Quý II/2012, Việt Nam nhập khẩu thủy sản với tổng giá trị 173,4 triệu USD. Sáu tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu thủy sản từ 69 nước và lãnh thổ trên thế giới với tổng giá trị gần 331 triệu USD, trong đó bao gồm hàng trả về trên 13 triệu USD. 

Tăng trưởng xuất khẩu ngày càng chậm

Quý I/2012, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn đạt tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bước sang quý II, tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm, chỉ còn tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 1,567 tỷ USD. Trong đó, tháng 6 đạt mức tăng trưởng thấp nhất, 1,3% do sự sụt giảm ở các mặt hàng chính như tôm (giảm 4%), cá tra (giảm 14,4%), nhuyễn thể (giảm 5,5%).

Xuất khẩu thủy sản sang EU giảm do khủng hoảng Châu Âu

Khủng hoảng kinh tế tại Châu Âu được đánh giá là nguyên nhân chính khiến nhu cầu tiêu thụ giảm.

Quý I, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm 7,9% so với cùng kỳ, sang quý II tiếp tục giảm sâu hơn (mức giảm 15,5%). Riêng tháng 6, xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 20%.

Trong quý II, EU đã từ vị trí thứ nhất rơi xuống thứ 2 trong các thị trường chính nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc chững lạiQuý I, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng gần 20% so với cùng kỳ, nhưng sang quý II, xuất khẩu sang thị trường này giảm 2%.

Xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc trong quý II/2012 đạt 127,459 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng giảm rõ rệt so với 24% trong quý I trước đó. Riêng trong tháng 6, xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 5,5%. Thị trường này cũng bắt đầu dựng rào cản kỹ thuật đối với thủy sản Việt Nam do xu hướng tăng nhập khẩu quá nhanh. Thị trường này cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ các nước khác.

Doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần khả năng cạnh tranh

Nhu cầu thủy sản của Nhật Bản vẫn cao. Tuy nhiên, tại thị trường này doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Hơn nữa, Việt Nam đang bị áp đặt những rào cản kỹ thuật qua việc bị áp kiểm tra Ethoxyquin trong sản phẩm tôm từ giữa tháng 5/2012 với mức giới hạn cho phép 0,01ppm, trong khi lại không áp dụng với các nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Ấn Độ…

Thiếu vốn - doanh nghiệp khó tiếp cận vốn với lãi suất thấp

Tình trạng thiếu vốn cho sản xuất và chế biến xuất khẩu diễn ra từ quý I, tuy nhiên, đến quý II đã bộc lộ rõ mức độ ảnh hưởng. Doanh nghiệp không có vốn để mua nguyên liệu, xoay vòng sản xuất, kết quả là giá nguyên liệu trong nước, đặc biệt là tôm và cá tra, giảm rõ rệt. Trong đó, giá tôm trong quý II giảm khoảng 40%, giá cá tra giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thiếu vốn để sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm sản xuất và xuất khẩu, nên doanh số xuất khẩu trong quý II có xu hướng giảm dần, đặc biệt đối với ngành cá tra.

Gánh nặng về chi phí và thủ tục chưa được tháo gỡTrong khi vấn đề vốn đang khiến cho doanh nghiệp khó bề xoay sở để duy trì và phát triển sản xuất và xuất khẩu thì họ vẫn tiếp tục phải chịu gánh nặng từ chi phí và thủ tục kéo dài từ năm trước và từ quý I, đến nay chưa được tháo gỡ. Trong khi đó, chi phí sản xuất và chế biến trong nước tăng mạnh 15-35% do giá xăng, dầu, điện, giá thức ăn nuôi thủy sản, giá lao động đều tăng đáng kể.

Xu hướng sát nhập các doanh nghiệp thủy sản và tái cơ cấu ngànhTính đến hết tháng 6/2012, có 582 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản, giảm 275 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 32%). Trong số các doanh nghiệp năm nay phải ngừng xuất khẩu có phần lớn là doanh nghiệp thương mại, không có vùng nuôi, không có cơ sở chế biến.

Thực trạng phát triển thiếu quy hoạch của ngành chế biến thủy sản hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm trong thời gian qua. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cũng như lãnh đạo của ngành cho rằng, đã đến lúc phải tái cơ cấu doanh nghiệp thủy sản vì sự phát triển bền vững của ngành. Số doanh nghiệp giảm mạnh là quá trình sàng lọc và đào thải, sáp nhập là xu thế tích cực trong bối cảnh hiện nay.

Nguồn Vasep


Sự kiện