Thứ Sáu | 01/02/2013 23:04

82 đề án triển khai thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020

82 đề án này nhằm thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012.
Bộ Tài chính xác định rõ 82 đề án với các định hướng lớn, yêu cầu về kết quả và mốc thời gian thực hiện cụ thể mà ngành tài chính cần thực hiện từ nay đến năm 2020 thuộc 9 nhóm nội dung:

(1) Kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm; (2) Nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; (3) Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia;

(4) Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công; (5) Hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; (6) Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính;

(7) Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; (8) Nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; (9) Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính.

Để đảm bảo tính khả thi và nâng cao chất lượng thực hiện các đề án, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị định kỳ báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện vào tháng 12 hàng năm.

Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đặt ra những nhiệm vụ cụ thể như:Tổng thu từ thuế và phí giai đoạn 2011 - 2015 là 22 - 23% GDP, giai đoạn 2016 - 2020 là 21 - 22% GDP; trong đó thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2015 đạt trên 70% tổng thu ngân sách nhà nước và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước.Giảm mức bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 4,5% GDP vào năm 2015 (tính cả trái phiếu chính phủ) và giai đoạn 2016-2020 tương đương 4% GDP.Phấn đấu đến năm 2015 tổng mức dự trữ Nhà nước đạt 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP, đồng thời cơ cấu lại mặt hàng dự trữ đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước…


Nguồn Chính Phủ


Sự kiện