Thứ Năm | 31/10/2013 10:32

80% sản lượng gạo bị lãng phí

Có đến 180 triệu tấn gạo, chiếm 80% sản lượng gạo của các nước đang phát triển khu vực Đông Nam Á, bị lãng phí hàng năm.
Thông tin này trong báo cáo mới nhất của Viện Cơ khí (IMechE), tổ chức phi chính phủ về lĩnh vực năng lượng và môi trường có trụ sở tại Anh.

Đây không chỉ là thiệt hại về nguồn lương thực mà còn là sự lãng phí về tài nguyên đất đai, năng lượng và nước, trong bối cảnh an ninh lương thực vẫn chưa được đảm bảo tại nhiều nước thuộc khu vực này.

Theo báo cáo, mức độ gia tăng của lượng lương thực lãng phí ở khu vực Đông Nam Á cao hơn nhiều so với trên toàn cầu, chiếm đến 50% trong tổng số 4 tỷ tấn lương thực được sản xuất hàng năm. Nếu không có kế hoạch bảo tồn đất đai, năng lượng và nước, sẽ có thêm 60-100% sản lượng lương thực bị lãng phí.

Trước tình hình này, ông Tim Fox, người đứng đầu lĩnh vực Năng lượng và Môi trường thuộc tổ chức trên cho rằng: “Nguyên nhân bắt nguồn từ các tập quán nông nghiệp, kỹ thuật, phương thức vận chuyển và dự trữ chưa phù hợp. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng khuyến khích khách hàng mua nhiều thông qua các chương trình khuyến mãi.

Tùy vào sự phát triển của mỗi quốc gia, lượng gạo lãng phí chiếm khoảng từ 37-80% sản lượng. Tại Trung Quốc, nước khá thành công trong việc đảm bảo an ninh lương thực so với các quốc gia khác trên thế giới, có đến khoảng 45% lượng gạo bị bỏ đi, trong khi ở Việt Nam, con số này là 80%.

Tại Ấn Độ, khoảng 20 triệu tấn lúa mỳ bị lãng phí hàng năm và có tới 40% sản lượng rau và hoa quả bị thất thoát do thiếu điều kiện bảo quản mát và làm lạnh và cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém. Ở các quốc gia giàu có hơn, có khoảng 30-50% lượng lương thực khách hàng mua bị bỏ đi.

Hiện nay, tổng dân số trên thế giới đang sử dụng khoảng 3,8 nghìn tỷ m3 nước/năm và khoảng 70% lượng nước này được dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 550 tỷ m3 nước bị lãng phí do được dùng để trồng trọt, song không mang sản phẩm đến tay người tiêu thụ.

Trước tình trạng dân số toàn cầu gia tăng nhanh chóng, nhu cầu về nước sẽ tiếp tục tăng trong các thập niên tới và phụ thuộc hơn vào các phương pháp nông nghiệp, và đến năm 2050, con người có thể cần đến 10-13 nghìn tỷ m3 nước/năm.

Báo cáo cũng kêu gọi chính phủ các nước đang phát triển cải thiện cơ sở hạ tầng, vận chuyển và dự trữ để phòng tránh tình trạng lãng phí lương thực, trong khi các quốc gia đã phát triển cần áp dụng các chính sách nhằm thay đổi thói quen của người mua.

Nguồn Báo Tin tức


Sự kiện