Thứ Tư | 06/08/2014 08:41

80% khoản cho vay của ngân hàng nước ngoài là tín chấp

Cho vay tín chấp để khơi thông dòng tín dụng đang “tắc”.
Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam đã trao đổi với Infonet về thực trạng cho vay của các ngân hàng hiện nay.

Lạm phát năm nay dự đoán ở mức 5%. Theo ông có thể giảm thêm lãi suất nữa không?

Trong 2 năm gần đây khi nền kinh tế vĩ mô khó khăn thì cầu tín dụng giảm xuống khiến các ngân hàng giảm lãi suất cho vay là một thực tế để có thể tăng tín dụng.

Mặt khác, các ngân hàng cẩn trọng giảm lãi suất tiền gửi cho sợ mất thị phần. Rất nhiều ngân hàng chấp nhận biên lợi tức giữa lãi suất tiền gửi –cho vay giảm để có mức lãi suất giảm cho những khách hàng tốt.

Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức 6-7%/năm so với đầu năm nay là 8-9%/năm. Lãi suất cho vay trung dài hạn đang ở mức 9-14%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn là 3-4%/năm, trung dài hạn là 5-7%/năm.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm nữa. Vì mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang phải duy trì một lợi thế cạnh tranh giữa tiền đồng và USD để tránh việc dịch chuyển từ tiền đồng sang USD khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn nữa.

Hiện chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi tiết kiệm giữa tiền đồng và USD là 4-5%/năm. Nếu ép lãi suất xuống quá nhanh thì chúng ta có thể quay lại những khó khăn trước đây là những bất ổn của thị trường ngoại hối, người gửi tiền sẽ chuyển dịch từ tiền đồng sang USD… Do vậy, cần phải có lộ trình để giảm lãi suất và lạm phát xuống từ từ.

Nhìn chung, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam hiện vẫn còn cao so với khu vực, nhưng chúng ta không thể dục tốc được, cần phải có lộ trình. Cái quan trọng không nên đặt trọng tâm quá nhiều vào việc giảm thêm lãi suất bao nhiêu nữa, quan trọng là cầu của doanh nghiệp có hay không?
Ngân hàng không cho vay ra được có phải do tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp đang rất xấu không?

Khi nền kinh tế vĩ mô có những khó khăn là là lúc để sàng lọc lại các doanh nghiệp và điều chỉnh lại thị trường. doanh nghiệp nào có chiến lược rõ ràng và tập trung vào kinh doanh ngành chính thì doanh nghiệp đó vẫn trụ được. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp ngành thép thời gian qua rất khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, nhưng đối với những doanh nghiệp thép hàng đầu và có chiến lược tập trung thì họ vẫn phát triển tuy lợi nhuận không tăng nhanh như các năm trước.

Giai đoạn điều chỉnh sẽ diễn ra từ 3-4 năm, yếu tố quan trọng đó là chính sách hỗ trợ của Chính phủ như thế nào trong giai đoạn khó khăn này. Chẳng hạn, những doanh nghiệp nào tạo ra những giá trị gia tăng trong xuất khẩu thì sẽ được ưu đãi về thuế ra sao… Nếu để tự các doanh nghiệp bươn chải thì quá trình điều chỉnh sẽ dài hơi hơn.

Ý kiến của ông về quyết định của ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tín chấp?

Cho vay tín chấp là một thông lệ trên thế giới lâu rồi. Tại Việt Nam các ngân hàng nội vẫn quan niệm cho vay bắt buộc phải có tài sản thế chấp. Chính vì thế, ngân hàng sẽ lơ là về bản thân doanh nghiệp được vay hoạt động có tốt không, vì ngân hàng chỉ chăm chăm nhìn vào tài sản thế chấp. Nên khi giá trị tài sản thế chấp sụt giảm hoặc doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì bị xếp vào nợ xấu.

Theo tôi, việc khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp cũng là một xu hướng đúng để quay về thực chất của ngân hàng là cung cấp tín dụng dựa trên đánh giá dòng tiền trong tương lai của khách hàng thay vì nhìn vào tài sản thế chấp.

Một nguyên tắc khi cho vay của các ngân hàng nước ngoài, tài sản thế chấp chỉ là yếu tố xem xét cuối cùng.

Ở các ngân hàng nước ngoài tỷ lệ cho vay tín chấp đối với khách hàng chiếm đến trên 80%.

Những khách hàng được cho vay tín chấp là những khách hàng có chất lượng tốt, có kế hoạch kinh doanh bài bản, có kết quả hoạt động trong quá khứ rõ ràng và có kiểm toán tốt.

Bỏ qua những khó khăn hiện tại của thị trường, theo ông các ngân hàng nội nên cho vay tín chấp như thế nào để vừa an toàn vừa tăng tín dụng?

Các ngân hàng nội cho vay đối với các doanh nghiệp nên làm tốt trong việc theo sát các doanh nghiệp trong quá trình quản trị tài sản thế chấp. Chẳng hạn, đối với tài sản thế chấp là hàng tồn kho ngân hàng phải cử nhân viên giám sát thường xuyên và xem lưu chuyển hàng tồn kho thế nào.

Các ngân hàng cần hiểu rõ thêm về hoạt động của doanh nghiệp, về dòng tiền, cách quản trị của doanh nghiệp mang tính chất ổn định hay không?
Vậy các doanh nghiệp muốn vay tín chấp thì phải đáp ứng yêu cầu gì?

Các doanh nghiệp nhất thiết phải minh bạch về tài chính, có báo cáo kiểm toán “sạch” từ các công ty kiểm toán có uy tín. doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ ràng, nếu doanh nghiệp kinh doanh quá đa ngành mà không có kinh nghiệm về các ngành đó thì ngân hàng sẽ rất sợ.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân thì kế hoạch về chiến lược đào tạo cũng như người thay thế trong tương lai cũng rất quan trọng, đây cũng là yếu tố để ngân hàng đánh giá tiềm năng phát triển của doanh nghiệp và xét cho vay tín chấp.

Nguồn Infonet


Sự kiện