Thứ Ba | 09/09/2014 21:11

80% các chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV không hiệu quả

Đây là nội dung được thảo luận tại Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách trợ giúp phát triển DNNVV diễn ra ngày 9/9 tại Hà Nội.
Thiếu đánh giá kết quả hỗ trợ DNNVV

Theo đánh giá của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), hơn 80% các chính sách, chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không có đánh giá kết quả hỗ trợ cho DNNVV.

Ngoài ra, theo Cục Phát triển doanh nghiệp, một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỉ lệ DNNVV có thể tham gia hoặc rất chung chung, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp.

Còn theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, DNNVV dân doanh chưa thực sự được đối xử bình đẳng với khối DNNN, doanh nghiệp FDI. Thủ tục hành chính phiền hà vẫn là cản trở đối với DNNVV. Chính sách hỗ trợ DNNVV nhiều song manh mún, thiếu tính đồng bộ, các ưu đãi được thực hiện nhỏ lẻ, không tạo được đột phá. Các chính sách hỗ trợ chưa chú ý tới đặc tính về quy mô nhỏ và cực nhỏ của phần lớn các DN tại Việt Nam, còn thiếu cơ chế điều phối, giám sát, đánh giá thực hiện.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc thường trực Techcombank cho biết, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là sự tham gia của các DNNVV trong quá trình mua sắm công chưa tích cực. Ông Thắng dẫn chứng có trường hợp DNNVV vay vốn tại Techcombank thực hiện hợp đồng với các đơn vị công, phía ngân hàng chỉ cần đơn vị công xác nhận là tiền thanh toán sẽ được chuyển về tài khoản của ngân hàng để đảm bảo hơn về tín dụng nhưng các đơn vị này cũng từ chối hợp tác, coi đó là chuyện riêng của ngân hàng và doanh nghiệp.

Các thông tin đánh giá về một doanh nghiệp còn rời rạc khiến các ngân hàng gặp khó khăn hơn trong việc thẩm định doanh nghiệp. Điều này khác với các nước, khi mọi thông tin như nợ bảo hiểm, nợ thuế, thậm chí nợ tiền điện…đều có trong hệ thống dữ liệu, rất thuận tiện cho việc đánh giá “sức khỏe” và tín nhiệm doanh nghiệp.

Hoàn thiện chính sách, hỗ trợ trọng điểm hơn

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng cần sớm xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó bao gồm cả các chính sách hỗ trợ hành động và thực thi.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, chuyên gia Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá cao việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV nhưng phải xác định rõ định hướng. Trước mắt cần rà soát, đánh giá nhu cầu cũng như tình hình doanh nghiệp, tránh tình trạng nhiều chính sách chưa xác định được phạm vi hỗ trợ.

Còn TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, cần nghiên cứu và áp dụng chính sách sao cho phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của DNNVV. Bên cạnh đó, cần tập trung tạo lập môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng, nhất là xác lập tiêu chí đánh giá và hiệu quả của công tác hỗ trợ doanh nghiệp… Cần tổ chức thường xuyên các chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo DNVVN; phối hợp với các Hiệp hội, ngân hàng, tổ chức uy tín trong và ngoài nước, các diễn đàn kết nối DNNVV, chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, bà cũng cho rằng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với việc thành lập, mở mới DNNVV để ngân hàng có căn cứ tạo cơ chế tốt hơn.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc thường trực Techcombank góp ý, từ thực tế ngân hàng của mình, để tăng cường hỗ trợ cho các DNNVV, Techcombank thường nhìn rộng hơn như các đối tác đầu ra và đối tác đầu vào của doanh nghiệp vay vốn. Techcombank căn cứ cả vào các mối quan hệ của DNNVV với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn về một số chỉ số như các giao dịch đang hoạt động, uy tín qua từng lần giao hàng, sự nghiêm túc trong quá trình thực thi hợp đồng... để có thêm kênh đánh giá DNNVV.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện