8 thông tin tiền tệ ngân hàng nổi bật tuần qua
Tại đại hội cổ đông năm 2013 sáng 18/5 của Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC), cổ đông đã thông qua biên bản và hợp đồng hợp nhất giữa PVFC và ngân hàng thương mại cổ phần Phương Tây (Western Bank).
Việc hợp nhất sẽ tận dụng được điểm mạnh của PVFC và Western Bank, tạo ra ngân hàng mới có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, quy mô tài sản 100.000 tỷ đồng. Sau sáp nhập, sở hữu của Petrovietnam (PVN) sẽ giảm từ 78% tại PVFC xuống còn 52% tại ngân hàng hợp nhất, qua đó gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho PVN thoái một phần vốn.
Ngân hàng dư dả ngoại tệ
Báo cáo tuần từ 6/5 đến 10/5 của Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng đã mua ròng ngoại tệ từ khách hàng. Sau nhiều tháng, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được neo ở 20.828 đồng. Trên cơ sở đó, các nhà băng vẫn niêm yết giá mua - bán phổ biến ở 20.915 - 20.965 đồng.
Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) lý giải thời gian qua các doanh nghiệp xuất khẩu bán ngoại tệ nhiều. Phó tổng giám đốc phụ trách ngoại tệ của một ngân hàng cổ phần khác tại Hà Nội cho biết cầu đôla thấp nên lãi suất cho vay thời gian gần đây vẫn giữ xu hướng giảm.
Sau một thời gian ngắn có sóng tăng nhẹ, tỷ giá đã hạ nhiệt và trở lại ổn định. Điều này khác hẳn với giai đoạn từ năm 2008-2010 khi giá mua bán đôla liên tục tăng cao. Nhiều ý kiến cho rằng tỷ giá ổn định có đóng góp lớn từ việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn ODA và lượng kiều hối tăng nhanh.
Việt Nam sẽ buộc các ngân hàng bán lại nợ cho VAMC
Trả lời phỏng vấn Bloomberg tại Hà Nội hôm 16/5, Chánh Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, theo đề xuất cuối cùng, nếu ngân hàng nào có nợ xấu từ 3% trở lên sẽ buộc bán lại nợ cho công ty mua bán nợ xấu (VAMC).
Số liệu về tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại sẽ do NHNN đánh giá, không phải do các ngân hàng báo cáo lên, ông Nghĩa cho biết thêm.
Đề xuất này hiện chờ sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, TS Lê Xuân Nghĩa cũng khẳng định, VAMC sẽ hoạt động theo một số nguyên tắc nhất định, trong đó có nguyên tắc bán nợ xấu là bắt buộc. Các khoản nợ xấu từ doanh nghiệp, tư nhân trong ngưỡng từ bao nhiêu tỷ đồng trở lên thì đều phải bán cho VAMC.
Lập ban trù bị thành lập công ty quản lý tài sản
Theo thông cáo báo chí phát đi chiều 15/5 NHNN cho biết, NHNN đã lập ban trù bị cho việc thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).
“Hiện NHNN đã hoàn thiện dự thảo đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và đề án thành lập VAMC và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành quyết định phê duyệt hai đề án này. Dự kiến trong quý II/2013, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành nghị định thành lập VAMC”, theo thông báo của NHNN cho biết.
Thông báo cũng cho biết, ban trù bị thành lập VAMC đã giao các đơn vị liên quan triển khai xây dựng văn bản pháp luật, các thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục mua, bán nợ xấu, điều lệ hoạt động của VAMC và các văn bản liên quan khác.
Công việc chuẩn bị nhằm đảm bảo VAMC có đủ cơ sở pháp lý để hoạt động ngay sau khi có quyết định thành lập.
Trong tuần, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong báo cáo thẩm tra hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng, cũng đã đồng ý miễn cả hai loại thuế này cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).
NHNN thanh tra 18 tổ chức tín dụng trong 2013
Theo thông tin từ cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2012 thanh tra, giám sát ngân hàng đã thực hiện tổng số 744 cuộc thanh tra, trong đó có 22 cuộc thanh tra pháp nhân.
Kế hoạch thanh tra năm 2013 sẽ thực hiện thanh tra 25 pháp nhân diện rộng (18 TCTD trong nước và 7 TCTD nước ngoài) và dự kiến tổ chức khoảng 800 đoàn thanh tra chi nhánh do 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện.
Tính đến quý I/2013, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Thanh tra, giám sát NHNN 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã tiến hành 301 cuộc thanh tra, kiểm tra; trong đó 145 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 39 cuộc thanh tra đột xuất và 117 cuộc kiểm tra. Đặc biệt Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã trực tiếp thực hiện 5 cuộc thanh tra pháp nhân TCTD (gồm 4 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 1 cuộc thanh tra đột xuất).
NHNN chính thức ký ban hành gói 30.000 tỷ đồng với Bộ Xây dựng và 5 ngân hàng
Sáng ngày 15/5, NHNN đã chính thức ký ban hành thông tư hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP với Bộ Xây dựng và 5 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Viecombank, VietinBank, Agribank, MHB.
Theo thông tư, NHNN cho vay khoảng 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng đủ điều kiện quy định tại Thông tư, trong đó dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.
Thời gian cho vay đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở tối thiểu là 10 năm và tối đa 5 năm với doanh nghiệp. Mức lãi suất cho vay được NHNN công bố hàng năm nhưng không vượt quá 6%/năm.
Về tái cấp vốn của NHNN, NHNN thực hiện giải ngân khoản vay tái cấp vốn khoảng 30.000 tỷ đồng đối với ngân hàng trên cơ sở dư nợ của ngân hàng đối với khách hàng nhưng tối đa 36 tháng.
Lãi suất tái cấp vốn thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng đối với khách hàng là 1,5%/năm tại cùng thời điểm.
Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm chênh lệch lãi suất
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 4, Chính phủ nhận định tổng dư nợ tín dụng mặc dù tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 nhưng tăng chậm so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, quá trình tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường, phấn đấu đạt tăng trưởng tín dụng 12%.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp; kiểm soát hoạt động đấu giá vàng...
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tăng cường quản lý hoạt động của các ngân hàng, giám sát chặt nhằm đảm bảo an toàn hệ thống; Khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành để sớm đưa công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) vào họat động.
Dự trữ ngoại hối hiện hơn 30 tỷ USD
Tuổi trẻ dẫn lời Thủ tướng tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng chiều ngày 11/5 cho biết, thị trường ngoại hối và tỷ giá những tháng đầu năm vẫn ổn định.
Thủ tướng cho biết: "Dự trữ ngoại hối của Nhà nước tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu. Đầu năm 2012, dự trữ ngoại tệ hơn chục tỷ, đầu năm nay đã dự trữ hơn 30 tỷ".
Theo báo cáo công bố hồi đầu tháng 3, Ủy ban Giám sát Tài chính cho biết, trước tết Ngân hàng Nhà nước đã mua vào rất mạnh USD từ hầu hết hệ thống các tổ chức tín dụng với giá 20.850 đồng, nâng quỹ dự trữ ngoại hối lên khoảng 14 - 16 tuần nhập khẩu.
Theo những thông tin đưa ra trước đó, năm 2012, sau khi sụt giảm nhanh và mạnh kể từ sau thời điểm công bố mức 20,7 tỷ USD vào năm 2008, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng mạnh trở lại. Con số mua vào năm 2012 ước khoảng hơn 10 tỷ USD.
Tổng thể, một số tổ chức trong và ngoài nước ước tính đến thời điểm năm 2012, con số dự trữ ngoại hối có thể đã đạt trên 20 tỷ USD.
Nguồn Dân Việt