8 công ty cho thuê tài chính: Dư nợ cho thuê tàu hơn 8.700 tỷ đồng
Nếu tính cả những tàu mà các công ty cho thuê tài chính, ngân hàng có tài trợ vốn, thì số dư nợ còn lớn hơn. Nợ tàu chiếm phần không nhỏ trong khối nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Việc thu hồi tàu đã khó, giờ phải xử lý khối nợ hàng nghìn tỷ đồng này lại càng khó hơn.
Bà Nguyễn Thị Anh Thu, Giám đốc công ty cho thuê tài chính I (ALC I, thuộc Agribank) cho biết, thực tế, từ năm 2008 đến nay, thị trường vận tải biển sụt giảm mạnh, cước giảm tới 50-60%. Trong khi đó thì chi phí nhiên liệu, lương, lãi suất... tăng cao, nên phần lớn chủ tàu, người thuê tàu không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng, nợ xấu tăng.
“Họ đều xin giãn nợ, giảm lãi, trả trước một phần gốc…” - Bà Thu nói và cho biết, trong 3 năm qua, ALC I đã ngừng cho thuê, thuê mua tàu mới, mà chỉ tập trung xử lý nợ. Hiện nay, dư nợ cho thuê tàu của ALC I còn hơn 1.000 tỷ đồng với khoảng 112 tàu.
Từ tháng 8/2011 đến nay, ALC I đã 4 lần giảm lãi suất, từ 18,5%/năm xuống mức 15%. Tháng 8/2012, ALC I đã phải làm việc với tất cả khách hàng thuê tàu để cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kế hoạch trả nợ, thời gian trả nợ nhưng đa phần doanh nghiệp vẫn không thể thực hiện đúng yêu cầu trả nợ của ALC I.
Ông Đàm Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, nếu ban đầu thẩm định không chính xác, không nắm được hoạt động tài chính của người thuê, thì rủi ro mất tài sản rất lớn.
Hơn nữa, khi bắt tàu về, phải tốn kém chi phí quản lý, phí cảng, người trông coi, nên rất khó xử lý tàu biển nợ quá hạn. Ngay chính các công ty cho thuê cũng không dám nhận lại tàu để tự khai thác, mà bán tàu thì lỗ hoặc không ai mua.
Nguồn Tiền Phong