Tuyến Metro tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hoà
700.000 tỉ đồng “chi tiêu ngược chu kỳ”
Kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều hậu quả nặng nề từ dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, những lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng hằng năm như xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ... đều bị tác động bởi dịch bệnh. Nếu không có sự can thiệp hiệu quả và kịp thời của Chính phủ, một số ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp có thể đổ vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tăng trưởng, việc làm, cũng như nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực khác.
“Lúc kinh tế khó khăn, ngân sách cần chi tiêu mạnh hơn để tạo nguồn lực cho nền kinh tế vận hành, còn lúc nền kinh tế đang tăng trưởng tốt thì chi tiêu ngân sách tiết kiệm hơn”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nói về giải pháp “chi tiêu ngược chu kỳ” để thúc đẩy tăng trưởng trước hậu quả của dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra khuyến cáo dịch bệnh còn kéo dài, nên việc Chính phủ bơm thêm nguồn lực vào nền kinh tế thông qua đẩy mạnh đầu tư công là phù hợp.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, vốn đầu tư toàn xã hội (gồm vốn khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài) thực hiện quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19.
Có thể thấy, vốn đầu tư công đạt thấp là do hoạt động đầu tư xây dựng trong tháng 1.2020 bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dịch COVID-19 nên một số nhà thầu xây dựng chậm triển khai ngay sau Tết. Cùng với đó, có nhiều dự án, công trình khởi công mới được bố trí vốn năm 2020 còn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa thực hiện...
Tuy nhiên, cũng không phủ nhận còn nhiều điểm tắc nghẽn trong đầu tư công. Sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công nói chung, giải ngân các dự án hạ tầng quy mô lớn có nhiều nguyên nhân do sự chồng chéo, không thống nhất của nhiều quy định pháp luật liên quan. “Trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, Chính phủ cần có biện pháp mạnh để tháo bỏ tắc nghẽn trong đầu tư công lâu nay bằng các giải pháp đột phá tương thích với thời buổi không bình thường”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên kiến nghị.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỉ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỉ đồng), bao gồm 470.600 tỉ đồng trong dự toán năm 2020 và 225.200 tỉ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
“Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá. Bộ trưởng cam kết đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên. Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi ngân sách năm 2020.
Số liệu thống kê cho thấy, đầu tư công hiện chiếm hơn 10% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội hằng năm. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 cả nước đạt hơn 270.209 tỉ đồng, bằng 62,94% kế hoạch Quốc hội giao và 67,46% kế hoạch Chính phủ giao.
Ước tính, khi giải ngân vốn đầu tư công tăng sẽ kéo theo các dòng vốn khác, giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Nếu năm nay giải ngân được 100% kế hoạch sẽ làm tăng GDP thêm 0,42 điểm phần trăm.
“Về đầu tư công, Chính phủ cần nhắm vào 2 mục tiêu: vừa kích thích kinh tế, vừa giúp bồi dưỡng năng lực khi hồi phục. Theo đó, các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (5G), năng lượng tái tạo, các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà hiện nay do thiếu vốn nên ngưng trệ, chậm tiến độ, các nền tảng giáo dục trực tuyến, khám bệnh từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử... nên được xem là các ưu tiên đầu tư”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, đề xuất.