7.000 tỷ đồng tiền bán vàng đã “về kho”
Tính từ ngày 28/3 đến ngày 27/9, NHNN đã bán ra 1.611.100 lượng vàng, tương đương khoảng 60,4 tấn vàng. Số liệu thống kê của NHNN cho biết: Sau khi trừ chi phí liên quan, thu nhập từ bán vàng của NHNN sau 61 phiên đấu thầu là 6.834 tỷ đồng, nếu tính cả phiên thứ 62 diễn ra ngày 27/9 thì khoản tiền thu về cho ngân sách Nhà nước từ đấu thầu vàng miếng là khoảng 7.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối -Ngân hàng Nhà nước, hoạt động đấu thầu vàng miếng nhằm can thiệp tình trạng mất cân đối cung cầu và tăng nguồn cung cho thị trường. Giải pháp này đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, không bao cấp, không bù lỗ, bảo đảm lợi ích của Nhà nước.
Không chỉ tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, hoạt động đấu thầu vàng miếng cũng đã giúp thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu, ổn định; các cơn "sốt vàng" gây bất ổn xã hội cũng chấm dứt, giá vàng trong nước có xu hướng giảm ngay cả khi giá vàng thế giới có biến động lớn và phức tạp. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đấu thầu vàng miếng đã giúp ngăn ngừa hiện tượng đầu cơ, làm giá trên thị trường vàng bởi toàn bộ quy trình đấu thầu bán vàng miếng đã được thực hiện thông suốt, an toàn, công khai, minh bạch. Giá trúng thầu được xác định trên cơ sở cạnh tranh, luôn bám sát giá thị trường và định hướng thị trường.
Để hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, NHNN đã theo dõi hàng ngày việc ngân hàng thương mại thực hiện quy định không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng. Thực tế trong giai đoạn vừa qua, toàn hệ thống duy trì trạng thái vàng ở mức trung bình khoảng 0,14% trên vốn tự có. |
Tháo van áp lực thanh khoản vàng tại các ngân hàng
Đến đầu tháng 7/2013, tất cả 18 tổ chức tín dụng đã tất toán hoàn toàn số dư huy động vốn bằng vàng, toàn bộ số dư giữ hộ vàng đã được hạch toán ngoại bảng và các ngân hàng đã không được sử dụng vàng giữ hộ dưới mọi hình thức. Theo công bố của NHNN, trong tổng số khối lượng vàng miếng trúng thầu thì có gần 30 tấn được các ngân hàng thương mại sử dụng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng; phần còn lại để bán trên thị trường.
Có thể khẳng định rằng, toàn bộ rủi ro liên quan đến huy động, cho vay vốn bằng vàng đã được loại bỏ ra khỏi hoạt động của tổ chức tín dụng, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh trong hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng như loại trừ cơ bản rủi ro về thanh khoản vàng đối với các ngân hàng có hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng.
Nếu như trung bình mỗi năm trước đây, cả nước phải nhập khẩu khoảng 50-100 tấn vàng, toàn bộ lượng ngoại tệ nhập khẩu được lấy từ nền kinh tế nên đã ảnh hưởng lớn đến tỷ giá, CPI, sự ổn định kinh tế vĩ mô thì việc siết chặt thị trường vàng như hiện nay với đầu mối điều tiết từ NHNN đã giúp thị trường ổn định hơn rất nhiều. Đặc biệt, tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế cũng đã giảm, nhu cầu tích trữ vàng của người dân không cao như trước.
Điều này có thể thấy trong tổng số 60,4 tấn vàng đã được cung ra thị trường thì chỉ có khoảng 30 tấn được các ngân hàng thương mại mua để chi trả cho khách hàng đã gửi vàng. So với nhu cầu vàng trong những năm trước vào khoảng 50-100 tấn thì hiện nay cung vàng miếng mới ra thị trường chỉ ở mức 30 tấn.
Nguồn Báo Hải quan