Thứ Hai | 31/12/2012 18:16

7 vấn đề doanh nghiệp nổi bật năm 2012

Thống kê chính thức khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động. Các ngành đều gặp khó khăn.
Ngành ngân hàng với nhiều vụ vi phạm bị phanh phui

Ông Nguyễn Đức Kiên
Ông Nguyễn Đức Kiên

Vụ việc đáng chú ý nhất là bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập của ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB.

Vụ việc này đã gây chấn động trên thị trường chứng khoán và ngân hàng khi VN-Index giảm 4,7% chỉ một ngày sau khi ông Kiên bị bắt - mức giảm mạnh nhất từ 10/2008 và Ngân hàng Nhà nước phải bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho ACB khi có hiện tượng người dân ồ ạt rút tiền tại ngân hàng này.

Ông Tô Duy Lâm, đại diện Ngân hàng Nhà nước, tại Đại hội cổ đông của ACB ngày 26/12 vừa qua cho biết, tổng số tiền Ngân hàng Nhà nước bơm cho ACB để giúp ngân hàng này ổn định là 16.000 tỷ đồng. Sau khi ông Kiên bị bắt giữ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này là ông Trần Xuân Giá và 3 nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng bị truy tố.

Các vụ việc này được cho là có liên quan đến vụ án lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên cán bộ tín dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và gây thiệt hại cho ACB khoảng 719 tỷ đồng.

Ngoài ACB, một số ngân hàng khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng cán bộ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm trái quy định của ngân hàng và Nhà nước gây thất thoát hàng tỷ đồng.

Từ sau sự việc tại ACB và nhiều vụ việc khác được đưa dư luận chú ý với lo ngại nhiều nhất về sự an toàn hệ thống.

Công ty chứng khoán rút nghiệp vụ môi giới

Vấn đề nổi cộm trong năm nay lại là việc hàng loạt công ty chứng khoán rút nghiệp vụ môi giới hoặc có dấu hiệu mất khả năng thanh khoản.

Những công ty có dấu hiệu mất thanh khoản như chứng khoán SME, chứng khoán Tràng An, chứng khoán Golden Bridge. Một số khác lại tự nguyện xin chấm dứt tư cách thành viên trên HNX và HSX như chứng khoán An Phát, chứng khoán Nam An, chứng khoán Âu Việt, chứng khoán Đông Dương và chứng khoán Hà Nội...

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hết quý III/2012 có 11 công ty chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và 3 công ty chứng khoán trong diện kiểm soát.

Thị trường chứng khoán trầm lắng, tín dụng cho lĩnh vực này bị thắt chặt được cho là nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn của các công ty chứng khoán.

Trước tình hình thị trường khó khăn, một số công ty chứng khoán đã giảm tự doanh; tăng cường kinh doanh nguồn vốn và trái phiếu. Tỷ trọng tự doanh trong tổng doanh thu của công ty chứng khoán năm 2010 là 36,15%, năm 2011 khoảng 33-35%; 9 tháng năm 2012 hoạt động này chiếm tỷ trọng 31%.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán cũng như công ty chứng khoán, mới đây, Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Vũ Bằng cho biết, Uỷ ban đã trình xin Bộ tài chính giảm 20% phí lưu ký và sửa đổi thông tư về phí (phí giao dịch chứng khoán, phí cấp mã số giao dịch,...). Ngoài ra, Ủy ban xem xét tăng tỷ lệ margin từ 40% lên 50%. Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán cũng đã được thông qua với hướng chuyên biệt hóa các sản phẩm và dịch vụ.

Bất động sản và vật liệu xây dựng tồn kho lớn

Theo con số chính thức được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng công bố dựa theo tổng hợp của 44 tỉnh thành phố, tính tới 30/8/2012, tồn kho bất động sản là 16.469 căn hộ chung cư, tổng số nhà thấp tầng là 4.119 căn. Tổng giá trị hàng tồn kho là 40.750 tỷ đồng, gần 2 tỷ USD, bằng 1,4% GDP cả nước năm 2012.

Bất động sản tồn kho kéo theo vật liệu xây dựng cũng không tiêu thụ được. Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) trong 9 tháng, sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 khoảng 10%. Theo số của Tổng cục thống kê, tồn kho sản xuất xi măng tăng 50,2%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 40,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường "đóng băng", doanh nghiệp bất động sản mất thanh khoản, không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay. Tính tới 31/10, tổng dư nợ bất động sản khoảng 207.595 tỷ đồng; trong đó nợ xấu là 13,5%, tương đương 28.000 tỷ đồng.

Bất động sản tồn kho hàng trăm nghìn căn hộ
Bất động sản tồn kho hàng trăm nghìn căn hộ

Để tự cứu mình, doanh nghiệp bất động sản đã hạ giá bán nhà, chia nhỏ căn hộ. Ví dụ như Hoàng Anh Gia Lai bán căn hộ Thanh Bình bằng 50% giá ở các dự án xung quanh, dự án Giai Việt giảm 20%,... Một số khác thì kết hợp với sàn giao dịch để để có vốn tiếp tục xây dựng, ví dụ như Đất Xanh đầu tư 300 tỷ đồng vào dự án Sunview 3 để dành quyền phân phối 2 block tại đây.

Về phía Chính phủ, mới đây Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ cung ứng 20.000-40.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại để cho vay mua nhà trong 10 năm tới. Trong 2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xử lý khoảng 100.000-150.000 tỷ đồng nợ xấu mà chủ yếu trong bất động sản. Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội.

Ngành vận tải biển chìm trong khó khăn

Năm nay tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành vận tải biển. Theo báo cáo tài chính tới hết quý III/2012 của 10 doanh nghiệp vận tải biển niêm yết trên HNX và HSX, có 50% doanh nghiệp báo lỗ trong 9 tháng. Trong đó, một số doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ vượt quá vốn điều lệ, như Công ty cổ phần (CTCP) container Phía Nam ( VSG), CTCP Hàng Hải Đông Đô ( DDM), CTCP Hàng Hải Sài Gòn ( SHC),...

Để có tiền trả nợ ngân hàng và giải quyết khó khăn về dòng tiền, một số doanh nghiệp đã tìm cách bán tàu như VNA, VFR, DDM. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải biển nước ngoài hiện chiếm 80% thị phần tại Việt Nam lại đang mở rộng quy mô.

Nguyên nhân khó khăn của ngành vận tải biển được cho là do ảnh hưởng chung từ nền kinh tế thế giới, nhu cầu vận tải sụt giảm mạnh kéo theo giá cước vận tải giảm theo.

Chỉ số giá chở hàng khô (Baltic Dry Index -BDI)

Nguồn: Bloomberg

Chỉ số BDI (chỉ số về giá cước vận tải hàng khô, chỉ số càng cao thì mức giá cước càng lớn) năm 2012 còn thấp hơn năm 2011, và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2007-2008.

Theo các chuyên gia, trong 2 năm tới, ngành vận tải biển Việt Nam nói riêng và vận tải biển quốc tế nói chung sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tình trạng cung vượt cầu, khủng hoảng nợ Châu Âu chưa có lối thoát và các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại.

Nghi vấn chuyển giá với hàng loạt công ty FDI tên tuổi

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn được coi là khối doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, công nghệ mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường Việt Nam.

Coca-Cola liên tục báo lỗ kể từ khi vào Việt Nam
Coca-Cola liên tục báo lỗ kể từ khi vào Việt Nam

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, vấn đề doanh nghiệp FDI chuyển giá đang được dư luận quan tâm. Vấn đề này ngày càng trở nên nóng hơn khi mới đây cơ quan chức năng công bố một loạt đơn vị tên tuổi lớn với nghi vấn chuyển giá. Điển hình trong số đó là Coca Cola, Adidas, Keangnam Vina, Metro.... Lý do cơ quan thuế “nghi ngờ” là việc các doanh nghiệp này liên tục báo lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất.

Trước đó, hồi cuối 2011, theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính với 90 doanh nghiệp FDI tại 10 địa phương, có gần 90% số doanh nghiệp FDI trong số này lỗ liên tiếp 3 năm từ 2007- 2009 nhưng vẫn hoạt động.

Hoạt động chuyển giá có thể hiểu đơn giản là các doanh nghiệp FDI nâng chi phí đầu vào như chi phí nhập khẩu từ công ty mẹ, chênh lệch tỷ giá, lập dự phòng không đúng quy định.... để nâng giá thành sản phẩm, khiến kết quả kinh doanh bị lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiện tại, tuy chưa có phương án tối ưu cho việc chống chuyển giá, nhưng cơ quan chức năng cho biết, sẽ tiến hành thanh tra ở tất cả doanh nghiệp có nghi ngờ đồng thời Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2013 tới sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để chống chuyển giá thời gian tới.

Doanh nghiệp thủy sản hoạt động cầm chừng

Đầu năm 2012, thông tin Công ty cổ phần Thủy sản Bình An mất khả năng trả nợ gây xôn xao dư luận. Tiếp sau đó, một loạt công ty lớn khác trong ngành thủy sản như Phương Nam, Thiên Mã, và gần đây là Đông Nam. Tuy nhiên, hàng trăm doanh nghiệp thủy sản khác cũng đang gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng, thậm chí là đóng cửa.

Hàng trăm doanh nghiệp thủy sản đóng cửa trong mùa cao điểm
Hàng trăm doanh nghiệp thủy sản đóng cửa trong mùa cao điểm

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương (doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 cả nước) cho biết, do thiếu hụt nguyên liệu, hơn một nửa số nhà máy cá tra đóng cửa, số còn lại chỉ chạy 40-50% công suất, ngay cả Hùng Vương cũng chịu cảnh tương tự.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), đầu năm 2012, tình hình tài chính khó khăn nên sản lượng nuôi mới giảm 30 - 40%, hậu quả để lại là thiếu hụt cá tra vào cuối năm, các nhà máy phải đóng cửa. Ngoài vấn đề về nguyên liệu, các doanh nghiệp cá tra còn gặp vấn đề về đầu ra khi mà chỉ tính riêng tỉnh An Giang đã tồn kho 26.000 tấn cá, bằng sản lượng trung bình cả nước trong 3 tháng. Trong khi đó, giá cá tra lại xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Doanh nghiệp nuôi trồng tôm cũng gặp tình trạng tương tự về vấn đề nguyên liệu đầu vào do tôm chết hàng loạt vì dịch bệnh và tồn kho lớn. Cả nước có khoảng 100.776 ha tôm bị thiệt hại vì dịch bệnh, chiếm 15% tổng diện tích nuôi trồng. Do đó, diện tích nuôi trồng dù tăng 0,2% nhưng sản lượng giảm 3,9%.

Chỉ số hàng tồn kho của ngành thủy sản nói chungtính đến 1/12/2012 vẫn ở mức 28,6% và chưa có nhiều khởi sắc.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Vasep và các địa phương liên quan, kiểm tra, xác minh lại tình hình một số hộ, doanh nghiệp không vay được vốn, gửi Ngân hàng Nhà nước xử lý cụ thể.

Doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất và giải thể tiếp tục gia tăng

Theo số liệu của Bộ Lao động-thương binh-xã hội. Năm 2011, cả nước có 53.792 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 24,8% so với năm 2010. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký mới đạt 77.548 doanh nghiệp, giảm 13% so với năm 2010.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tới 1/1/2012, cả nước có 541.103 doanh nghiệp, nếu trừ đi các doanh nghiệp không thể xác minh thông tin thì có 448.393 doanh nghiệp. Trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất và chờ giải thể là 55.114, bằng 10% tổng số doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng cục thống kê
Nguồn: Tổng cục thống kê

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cụ Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo hết năm 2012 có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động (bằng với con số đầu năm vì một số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất sẽ chính thức giải thể), tăng 2,2% so với năm 2011. Trong khi đó, số doanh nghiệp mới thành lập dự kiến là 65.000 doanh nghiệp, giảm 16% so với năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, giải thể và doanh nghiệp thành lập mới
Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tuy nhiên, các số liệu nêu trên không tính tới gần 93.000 doanh nghiệp không thể xác minh. Trong số 93.000 doanh nghiệp này có thể có rất nhiều doanh nghiệp "ma" hoặc doanh nghiệp thực chất đã giải thể, phá sản rời khỏi trụ sở nhưng chưa hoàn tất thủ tục phá sản với các cơ quan chức năng. Nếu tính cả 93.000 doanh nghiệp nêu trên vào diện tạm ngừng sản xuất và giải thể, thì số lượng doanh nghiệp này phải chiếm gần 27% tổng số doanh nghiệp.

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 97% tổng số doanh nghiệp), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2013, sẽ tiếp tục trình Chính phủ triển khai các giải pháp hỗ trợ như gia hạn 12 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số lĩnh vực ưu tiên; gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 1, tháng 2 và tháng 3 năm 2013 cho các đối tượng doanh nghiệp nói trên...

Nguồn Khampha


Sự kiện