Chủ Nhật | 26/05/2013 16:29

7 thông tin tiền tệ ngân hàng nổi bật tuần qua

Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng lên cao nhất từ tháng 6/2012; Chính thức ban hành Nghị định thành lập VAMC; Phát hiện nhiều vấn đề tại NHNN...
Chính thức ra mắt Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam

Ngày 24/5/2013, Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) công bố chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.

Theo lộ trình triển khai định hướng phát triển mới, TrustBank đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam nhằm phù hợp với chiến lược phát triển là đáp ứng nhu cầu thiết thực của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành xây dựng hiện nay nói riêng.

Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng lên cao nhất từ tháng 6/2012

Theo báo cáo thống kê một số chỉ tiêu cơ bản về tình hình hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, tổng tài sản của hệ thống đến 31/3/2013 đạt gần 5.146,62 nghìn tỷ đồng, tăng 136,89 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 2/2013. So với cuối 2012, tổng tài sản của hệ thống tăng 1,2%.

Đây là mức cao nhất của tổng tài sản toàn hệ thống kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công bố số liệu vào tháng 6/2012 đến nay.

Tổng tài sản tăng chủ yếu do tài sản khối ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 64.624 tỷ đồng và tài sản khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 43.913 tỷ đồng so cuối tháng 2.
Chính thức ban hành Nghị định thành lập VAMC

Chính phủ vừa công bố Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) của các tổ chức tín dụng. Nghị định này được Thủ tướng Chính phủ ký chính thức vào ngày 18/5/2013 vừa qua.

Công ty quản lý tài sản là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với vốn điều lệ là 500 tỷ đồng.

Về phương thức mua nợ xấu, Nghị định nêu rõ, VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành. Ngoài ra, VAMC còn mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.

VAMC có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng bán các khoản nợ xấu; yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về tổ chức vay, về các khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu bán cho công ty.
Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vấn đề tại Ngân hàng Nhà nước
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo tổng hợp về kết quả các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện năm 2012 (về báo cáo tài chính niên độ ngân sách 2011).

Đối với NHNN, theo KTNN, mặc dù về cơ bản đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, điều chỉnh lãi suất dần phù hợp với thị trường, đảm bảo ổn định tỷ giá…, nhưng lạm phát cả năm 2011 vẫn ở mức cao (18,11%) vượt so với chỉ tiêu Quốc hội đã điều chỉnh (15 - 17%); nhu cầu vốn giá rẻ cho nền kinh tế chưa đáp ứng được.

KTNN cho rằng, NHNN cũng có trách nhiệm về quản lý, điều hành khi tăng trưởng tín dụng 14,45% không đạt chỉ tiêu Chính phủ giao (15 - 17%), trong khi tỷ lệ nợ xấu liên tục tăng từ năm 2007 và đặc biệt năm 2011 đã tăng đột biến (lên mức 3,07%)…

Trong khi đó, hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN với hoạt động cho vay tái cấp vốn chưa kịp thời, đầy đủ. Theo KTNN, một số hồ sơ tái cấp vốn chưa được giám sát việc sử dụng vốn vay theo thông báo của thống đốc NHNN như: hồ sơ vay vốn của ngân hàng Vietinbank, BIDV, VCB.

"Việc điều chỉnh thị trường liên ngân hàng còn hạn chế, không kiểm soát được lãi suất cao bất thường", báo cáo KTNN nhận xét về NHNN thời điểm năm 2011.

Lãi suất khó giảm thêm trong năm nay

Bloomberg dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết: “Sức ép lạm phát vẫn còn, và vẫn còn một số yếu tố khiến lạm phát tăng nhanh vào thời điểm cuối năm. Khả năng NHNN tiếp tục hạ lãi suất là rất ít”.

Ông Tiến cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức, NHNN và Chính phủ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% và duy trì lạm phát khoảng 6,5%.

Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2-3% so với cuối 2012

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, 4 tháng đầu năm 2013.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho biết, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2 - 3%/năm so với cuối năm 2012. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng, tính đến cuối tháng 4 tăng 2,11%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (4 tháng đầu năm 2012 giảm 0,2%).

Thị trường ngoại hối và tỷ giá tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng lên. Thị trường vàng được quản lý tốt hơn theo cơ chế mới, góp phần ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, thanh khoản tiếp tục được cải thiện.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, mặt bằng lãi suất cho vay có giảm nhưng còn cao, tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức thấp so với định hướng tăng 12% của năm 2013.

Trong khi đó, nợ xấu tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn cao, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn. Quản lý thị trường vàng mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa huy động được nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế.

Khối ngoại có thể được sở hữu vượt room ngân hàng nội?

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ bổ sung quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam.

Đáng chú ý là nội dung trình bổ sung quy định, trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện