Thứ Hai | 08/07/2013 13:34

7 tập đoàn, tổng công ty đã sắp xếp lại các đơn vị thành viên

Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 6, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 44 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, Bộ đã tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” ban hành theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các tập đoàn kinh tế tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý theo hướng tối thiểu bằng hoặc cao hơn so với thực hiện năm 2012, tập trung giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp...

Cho đến nay, đã có 7 tập đoàn và tổng công ty, gồm Xăng dầu; Điện lực; Dệt may; Thuốc lá; Máy và Thiết bị Công nghiệp; Giấy; Hóa Chất đã thực hiện tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên.

4 tập đoàn và tổng công ty, gồm Điện lực; Dệt may; Than- Khoáng sản; Giấy thực hiện tái cơ cấu về tài chính, thoái vốn.

Tính đến tháng 6/2013 có 66 tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng đề án tái cấu trúc trình bộ chủ quản, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt; trong đó có 44 đề án đã được phê duyệt.

Theo số liệu thống kê của 90 tập đoàn, tổng công ty, có 42 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng với giá trị ước tính đến 30/9/2012 là 22.405 tỷ đồng.

Trong thời gian triển khai Nghị quyết số 26/NQ-CP và Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số tập đoàn, tổng công ty đã báo cáo việc thoái vốn như sau: Tập đoàn Điện lực đã thoái vốn tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Nha Trang là 1,079 tỷ đồng.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) thoái vốn tại Eximbank là 4,44 tỷ đồng. Tổng công ty Thép thoái vốn tại VietinBank là 61,5 tỷ đồng. Tổng công ty Sông Đà thoái vốn tại Quỹ Vietcombank 3 là 40 tỷ đồng.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký công văn đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong đó nêu rõ, giao Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế thoái vốn của các doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp được thoái hóa vốn theo lộ trình, phương án tái cơ cấu đã được duyệt, chủ động tìm đối tác khi chào bán không thành công, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo toàn vốn; trường hợp thoái vốn bị lỗ, mất vốn, báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục khẩn trương triển khai Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung phê duyệt Đề án tái cơ cấu các tổng công ty nhà nước; trình hoặc ban hành theo thẩm quyền thể chế, cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cơ chế thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp và quản lý của chủ sở hữu nhà nước; xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý; chỉ đạo triển khai có kết quả Đề án tái cơ cấu đã phê duyệt và thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành, nghề kinh doanh chính và ở công ty cổ phần Nhà nước không cần chi phối.

Hàng quý, các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả triển khai thực hiện tái cơ cấu gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn Báo Hải quan


Sự kiện