Chủ Nhật | 30/12/2012 07:28

7 sự kiện trên thị trường chứng khoán năm 2012

Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, rút ngắn thời gian thanh toán, triển khai giao dịch buổi chiều là những sự kiện tác động tới thị trường chứng khoán năm 2012.
1. Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2012 và đã có lúc là một trong số những thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới. VN-Index và HNX-Index thời điểm cao nhất đã tăng tới hơn 40% so với đầu năm 2011.

Thế nhưng, những biến cố liên quan đến ngành ngân hàng đã kéo các cổ phiếu giảm mạnh, mà rõ rệt nhất là việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt ngày 20/8. Thị trường đã phản ứng tiêu cực với thông tin này và nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu, khiến các chỉ số giảm liền 3 phiên, với giá trị vốn hóa trên 2 sàn chứng khoán bốc hơi hơn 65.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 3,1 tỷ USD.

Biểu đồ VN-Index
Biểu đồ chỉ số VN-Index năm 2012

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc thị trường giảm mạnh đã khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không mở biên độ của HNX từ 7% lên 10% và HSX từ 5% lên 7%, cho dù Bộ Tài chính đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước điều chỉnh biên độ giao dịch.

2. Hàng loạt công ty chứng khoán rút lui khỏi thị trường

2012 có thể coi là một năm đầy khó khăn đối với các công ty chứng khoán khi thị trường chứng khoán gặp nhiều biến cố trong khi miếng bánh thị phần ngày càng bé lại. 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất chiếm 50-60% tổng thị phần và hơn 90 công ty chứng khoán còn lại chia nhau 40-50% thị phần.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt công ty chứng khoán đã phải rời bỏ thị trường, như chứng khoán An Phát, chứng khoán Âu Việt, chứng khoán Sao Việt, chứng khoán Nam An cũng xin ý kiến cổ đông chấm dứt tư cách thành viên trên các Sở Giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, HSX và HNX còn chấm dứt tư cách thành viên với chứng khoán SME, chứng khoán Hà Nội, chứng khoán Trường Sơn, chứng khoán Đông Dương. Nghiệp vụ môi giới tại các công ty chứng khoán này cũng bị rút bỏ. Bên cạnh đó, còn nhiều công ty chứng khoán trong diện kiểm soát đặc biệt mà chưa biết khi nào mới có thể khắc phục.
Miếng bánh thị phần bé lại, hàng loạt công ty chứng khoán phải rời bỏ thị trường
Miếng bánh thị phần bé lại, hàng loạt công ty chứng khoán phải rời bỏ thị trường

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết quý III/2012, trên 50% công ty chứng khoán báo lỗ, 70% công ty chứng khoán có lỗ lũy kế, 11 công ty chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và 3 công ty chứng khoán trong diện kiểm soát.

3. Triển khai giao dịch buổi chiều

Ngày 5/3, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu thí điểm giao dịch thêm buổi chiều, thời gian từ 13h đến 14h15'. Sau 3 tháng thí điểm, việc giao dịch buổi chiều chính thức được áp dụng từ ngày 6/6.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thời gian giao dịch buổi chiều nên được thay đổi
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thời gian
giao dịch buổi chiều nên được thay đổi
Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giao dịch buổi chiều đã hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh giá trị giao dịch trên cả 2 Sở.

Tại HSX, trước khi giao dịch buổi chiều, khối lượng giao dịch bình quân đạt 47 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 730 tỷ đồng/ngày, sau khi triển khai giao dịch buổi chiều, khối lượng giao dịch đạt 93,7 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch đạt 1.473 tỷ đồng/ngày. Ngoài ra, xét trên tổng giá trị giao dịch cả ngày thì phiên giao dịch buổi chiều chiếm tỷ trọng 33,29%.

Tại HNX, khối lượng và giá trị giao dịch cũng được cải thiện đáng kể. Trước khi áp dụng giao dịch buổi chiều, tổng giá trị giao dịch của HNX đạt bình quân 163,5 tỷ đồng/ngày, thì sau khi giao dịch buổi chiều, giá trị giao dịch tăng lên 296,4 tỷ đồng/ngày. Phiên giao dịch buổi chiều tại HNX chiếm tỷ trọng 35,5% giá trị giao dịch trong ngày.

Một số ý kiến cho rằng, thời gian bắt đầu giao dịch buổi chiều nên lùi từ 13h00 sang 13h30 và kết thúc có thể muộn hơn thời điểm 14h15 hiện nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn cho biết, việc này có liên quan đến vấn đề kỹ thuật trong giao dịch thanh toán bù trừ, nên phải chờ đến khi cơ quan quản lý cho phép áp dụng thời gian giao dịch T+3 thì khi đó mới lùi thời gian giao dịch buổi chiều.

4. Rút ngắn thời gian thanh toán T+4 xuống T+3

Từ ngày 4/9, chu kỳ thanh toán chính thức được rút về 9h00 ngày T+3 thay vì 15h30 ngày T+3 như trước đó. Việc cổ phiếu về tài khoản vào lúc 9 giờ sáng ngày T+3, trước giờ bắt đầu phiên giao dịch sáng giúp nhà đầu tư có thể bán sớm hơn một ngày.

Do đó, nhiều người đã kỳ vọng về việc thanh khoản thị trường sẽ tăng sau khi triển khai T+3. Tuy nhiên, con số thống kê lại cho thấy kết quả khác. Giao dịch khớp lệnh trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 luôn trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thị trường áp dụng T+3, từ đầu tháng 9, giao dịch tháng 9 và tháng 10 xuống dưới 9.000 tỷ đồng và giao dịch tháng 11 xuống dưới 6.000 tỷ đồng.

Nguồn: HSX
Thanh khoản trên sàn TPHCM giảm sau khi rút ngắn thời gian thanh toán

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khi rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+3 là 2 công ty chứng khoán Golden Bridge Việt Nam (GBS) và Tràng An (TAS) hụt thanh khoản ngay trong tuần đầu áp dụng. GBS và TAS đã không đảm bảo việc chuyển tiền cho VSD vào 16 giờ chiều ngày T+2.

5. Thanh khoản giảm 25% sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mạnh tay xử phạt bán khống

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ trước tới nay luôn giữ quan điểm nghiêm cấm hành vi bán khống và năm 2012 chứng kiến lần đầu tiên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt với các hành vi liên quan đến bán khống. Đầu tiên là quyết định xử phạt 150 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Nam, do công ty cho khách hàng vay chứng khoán để bán.

Kế tiếp đó là quyết định phạt 170 triệu đồng đối với 2 nhân viên của Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC), trong đó một người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề.

Nói một cách đơn giản, bán khống là hoạt động "vay" cổ phiếu để bán khi giá đang có xu hướng giảm, sau đó mua vào lại cổ phiếu đó để "trả lại" khi giá đã thấp hơn. So với việc bán cổ phiếu theo cách thông thường (nhà đầu tư có thể mua lại cổ phiếu đó, hoặc không mua lại), thì bán khống yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư phải mua lại cổ phiếu, và thanh khoản khi không còn bán khống sẽ thấp hơn so với khi có bán khống.

Bán khống
"Cơ quan quản lý không chấp nhận bất kỳ lý lẽ nào để biện minh cho hoạt độngbán khốngdiễn ra dưới bất cứ hình thức nào" - trích lời một lãnh đạo UBCKNN

Theo thống kê, giao dịch trung bình 30 ngày sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt bán khống tại HSC giảm gần 25% so với trung bình 30 ngày trước khi có thông tin xử phạt. Trong đó, giao dịch trên HSX giảm 27% và giao dịch trên HNX giảm 14%.

6. Ra mắt các sản phẩm và công cụ hỗ trợ mới

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã cho ra đời 2 rổ chỉ số là VN30 và HNX30. Trong đó, VN30 đi vào hoạt động từ ngày 6/2 và HNX30 được áp dụng từ ngày 9/7.

Việc cho ra đời 2 rổ chỉ số này được đánh giá là giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác hơn về thị trường, khi mà chỉ số chính VN-Index khi đó chịu ảnh hưởng bởi 4 mã BVH, MSN, VIC và VNM còn HNX-Index chịu ảnh hưởng của ACB. Ngoài ra, việc đưa 2 chỉ số mới vào hoạt động tương lai sẽ giúp cho các sở tăng khả năng cung cấp dịch vụ cho tương lai.

Lấy ví dụ như mô hình của các quỹ ETF, đầu tư vào các rổ chỉ số có sẵn với mục đích đa dạng hóa danh mục đầu tư. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, có 3 quỹ ETF đang hoạt động là FTSE Vietnam ETF, Market Vectors Vietnam ETF và iShares MSCI Frontier Markets ETF.

3 quỹ này hiện đầu tư theo rổ chỉ số của các tổ chức nước ngoài và có thể trong thời gian tới sẽ có các quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30 và HNX30. Tháng 8 và tháng 10 vừa qua, HNX và HSX đã tổ chức các hội thảo liên quan đến khung pháp lý khi thành lập và quản lý quỹ ETF. Được biết, tại hội thảo của HNX, đã có thông tin về việc chứng chỉ quỹ đầu tiên niêm yết trên HNX sẽ mô phỏng theo HNX30. Còn về phía HSX, nhiều khả năng ETF sẽ được triển khai trong năm 2013.

ETF
Quỹ ETF đầu tư vào rổ chỉ số VN30 và HNX30 có thể xuất hiện trong năm 2013
Lệnh thị trường (MP) là một trong những điểm mới trong năm 2013, khi lệnh này được HSX triển khai thí điểm từ 2/7 và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 3/10. Lệnh thị trường có lợi thế về tốc độ đặt lệnh nhưng có thể sẽ khiến nhà đầu tư thiệt về giá. Không có thống kê nào được đưa ra liên quan đến tần suất sử dụng lệnh thị trường của nhà đầu tư, nhưng việc đưa công cụ này vào hệ thống góp phần tăng sự lựa chọn cho nhà đầu tư khi giao dịch.

Chứng quyền (Covered warrant) được HSX giới thiệu đến các thành viên thị trường vào giữa tháng 12. Đây là sản phẩm thường được phát hành bởi các công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư, với mục đích tăng thanh khoản cho thị trường.

7. Đề án "tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm chính thức được phê duyệt"

Đầu tháng 12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành hành quyết định phê duyệt đề án "Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm". Trong đó, điểm nổi bật là nghiên cứu thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam: Phân tách và chuyên biệt hóa thị trường theo hàng hóa giao dịch, bao gồm một sàn giao dịch cổ phiếu và một sàn giao dịch trái phiếu, chứng khoán phái sinh.

Liên quan đến việc phân tách này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong một phát biểu hồi đầu năm đã cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hoạt động theo cơ chế “một sở hai sàn”. Các cổ phiếu sẽ chuyển dịch dần sang tại sàn TPHCM. Sàn Hà Nội sẽ chủ yếu tập trung phát triển sàn chuyên biệt và các sản phẩm phái sinh, UPCoM.

Việc chuyển dịch dần các cổ phiếu từ HNX sang HSX sẽ đảm bảo thống nhất và chuẩn hóa tiêu chí niêm yết, chế độ báo cáo, công bố thông tin, tiêu chuẩn về thành viên và giao dịch. Trong tương lai, chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán sẽ được nâng cao.

Cùng chúc cho 2013 sẽ là năm thuận lợi với thị trường chứng khoán Việt Nam
Cùng chúc cho 2013 sẽ là năm thuận lợi đối với thị trường chứng khoán Việt Nam

Nguồn Khampha


Sự kiện