Thứ Ba | 01/01/2013 15:10

7 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2012

Hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động; thất nghiệp gia tăng; lạm phát kiềm chế do tổng cầu suy giảm... là những điểm đáng lưu ý của kinh tế vĩ mô 2012.
Năm 2012 tiếp tục chứng kiến sự biến động phức tạp của kinh tế thế giới, tăng trưởng toàn cầu thấp hơn so với dự báo đầu năm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế đã hội nhập và có độ mở tương đối lớn như kinh tế Việt Nam.

Ở trong nước, những khó khăn chung do kinh tế toàn cầu mang lại cùng với việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, nợ xấu còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn.

Cùng nhìn lại những điểm nổi bật nhất của tình hình kinh tế 2012.

1. Lạm phát được kiềm chế khi tổng cầu suy giảm

Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào khoảng 10 tỷ USD ngoại tệ, tương đương với việc bơm ra nền kinh tế khoảng 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên lạm phát vẫn được duy trì ở mức mục tiêu do tổng cầu trong nước giảm sút, hàng tồn kho gia tăng và nhu cầu đầu tư suy giảm mạnh do tắc nghẽn của nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm nay chỉ tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2011, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 201.

a

Nhìn vào biểu đồ trên có thể thấy, dù lạm phát được kiềm chế thấp hơn mức mục tiêu 10% của Chính phủ nhưng đây lại là năm giá cả có nhiều biến động bất thường. Cụ thể: CPI tăng không quá cao vào 2 tháng đầu năm nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.

Trong năm, có tới 7 tháng CPI chỉ tăng dưới 1% và hầu hết các tháng chỉ tăng dưới 0,5%. Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết âm lịch mà giảm vào 2 tháng giữa năm (tháng 6 và 7).

2. Xuất siêu lần đầu tiên sau 20 năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012, cả nước ước xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên xuất siêu kể từ 1993. Bên cạnh dấu hiệu đáng mừng thể hiện ở sự chủ động nguyên phụ liệu sản xuất giúp giảm nhập khẩu ở một số ngành, ở một số ngành khác việc nhập siêu giảm chưa hẳn là dấu hiệu đáng mừng.

Đây là dấu hiệu cho thấy nền sản xuất năm nay gặp rất nhiều khó khăn và những khó khăn này có thể còn tiếp diễn vào năm sau và những năm tiếp theo nữa nếu không có những diễn biến tốt hơn.

Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2012  Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đơn vị: Triệu USD.
Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2012 Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đơn vị: Triệu USD.

Bên cạnh đó, xét về cơ cấu hàng xuất khẩu, khối doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu máy móc linh kiện về gia công lắp ráp nên hiệu quả mang lại cho nền kinh tế chủ yếu ở góc độ giải quyết công ăn việc làm cho lao động, còn đóng góp thực chất về giá trị là không lớn.

Vì vậy, điểm sáng xuất khẩu năm 2012 cũng đặt ra những vấn đề cần khắc phục cho năm 2013, nhất là trong việc tiếp tục cần tăng cường đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo để hạn chế dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất cũng như xuất khẩu thô sản phẩm.
3. Tăng trưởng kinh tế thấp nhất từ năm 2000

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tăng 5,03% so với năm 2011 và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây. Quy mô nền kinh tế khoảng 136 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người trên 1.540 USD.

Cơ quan thống kê cho rằng, trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý và thể hiện xu hướng cải thiện qua từng quý. Cụ thể, GDP quý I và II chỉ tăng lần lượt 4,64% và 4,8%, quý III và quý IV tăng 5,05% và 5,44%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đáng chú ý, số vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và bằng 33,5% GDP, đây là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây.

Như vậy, mặc dù được nhận định là hợp lý nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mới chỉ tập trung vào chiều rộng, tăng trưởng nhờ tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và sức lao động chứ chưa tập trung vào tăng trưởng chiều sâu. Bên cạnh đó, năng suất lao động tại Việt Nam hiện thuộc hàng thấp nhất khu vực khi thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản tới 135 lần.
4. 55.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2012

Trong năm 2012, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát khiến cầu nội địa giảm mạnh gây khó khăn trong khâu tiêu thụ dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn, khó tiếp cận vốn và chi phí đầu vào tăng cao...

Số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động tăng liên tục trong năm và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Cho đến thời điểm gần cuối năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam ở đại đa số các ngành nghề vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức trên mọi phương diện, đặc biệt là ở hai khâu chủ yếu là đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đưa ra dự báo trong năm 2012 sẽ có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và có khoảng 65.000 doanh nghiệp thành lập mới. Theo đánh giá của Bộ, con số này cho thấy, sự đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp đã không xảy ra như dự đoán và đang tự tái cơ cấu, chuyển dịch khỏi các ngành bất động sản và chứng khoán.

ự đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp đã không xảy ra như dự đoán và đang tự tái cơ cấu, chuyển dịch khỏi các ngành bất động sản và chứng khoán.
Sự đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp đã không xảy ra như dự đoán mà đang tự tái cơ cấu, chuyển dịch khỏi các ngành bất động sản và chứng khoán.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thực trạng các doanh nghiệp hiện nay, mặc dù Chính phủ và các ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói giải pháp như giảm lãi suất, giảm thuế song hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm đến nay cho thấy các biện pháp này dường như là chưa đủ. Bà Lan cho rằng, con số này là “bất thường” và đáng báo động, chứ không đơn giản chỉ là hoạt động đào thải của thị trường.

Đáng chú ý, trong năm 2012, doanh nghiệp tư nhân vẫn gia tăng về quy mô. Theo Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500) được Vietnam Report công bố ngày 10/12, doanh nghiệp tư nhân tiếp tục đà gia tăng mạnh mẽ, với 225 doanh nghiệp lọt vào bảng xếp hạng này.

Số doanh nghiệp tư nhân xuất hiện trong bảng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng dần đều qua 6 năm. Nếu như năm 2007 chỉ có 103 doanh nghiệp tư nhân lọt vào VNR 500, thì năm 2012 con số này đã là 225, tăng hơn 2 lần.

5. Việc làm khan hiếm: Gần 1 triệu lao động thất nghiệp

Doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động gia tăng trong khi đa số các doanh nghiệp phải cắt giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh khiến nhiều lao động thiếu việc làm. Trong năm qua có nhiều ngành lượng cung lao động vượt cao hơn so với cầu như xây dựng, kiến trúc, kế toán, quản lý nhân sự, hành chính văn phòng, quản lý điều hành, hóa chất, cơ khí, tài chính – ngân hàng.

Báo cáo nhân lực trực tuyến do VietnamWorks công bố cho thấy trong năm 2012, nhân lực ngành bất động sản giảm 50%, xây dựng giảm 49%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia lao động, năm 2012 ngành Xây dựng có số lượng lao động thất nghiệp lớn nhất và cũng là “con nợ” lớn nhất của ngành bảo hiểm xã hội.Trong khi đó, số lượng các công ty bất động sản làm ăn thua lỗ đóng cửa hàng loạt tăng mạnh, kéo theo đó số lượng nhân sự bị cắt giảm cũng ồ ạt. Các ngân hàng, công ty tài chính cũng đang lao đao bởi khủng hoảng nhân sự, số lượng nhân viên bị sa thải tăng mạnh. Chế độ đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị thôi việc đều bỏ ngỏ.


Theo số liệu mới nhất từ cơ quan thống kê, năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 1,99%, giảm so với mức 2,27% năm 2011; tỷ lệ thiếu việc làm là 2,8%, giảm so với 2,96% của năm 2011.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm năm 2012 giảm nhẹ so với năm 2011 nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước cho thấy mức sống của người dân còn thấp, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển mạnh nên người lao động không chịu cảnh thất nghiệp kéo dài mà chấp nhận làm những công việc không ổn định với mức thu nhập thấp và bấp bênh.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm, song xét về số tuyệt đối, số người thất nghiệp lại tăng. Hiện nền kinh tế không tạo đủ việc làm cho cả lao động mới gia nhập thị trường và bộ phận lao động thất nghiệp cũ với số người thất nghiệp hiện khoảng 931 nghìn, số người thiếu việc làm là 1,45 triệu, tăng khoảng 195 nghìn người so với năm ngoái.

Cạn vốn, thu hẹp sản xuất, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh túng quẫn, thẳng thừng tuyên bố nợ lương hay khuyến khích nhân viên tự nguyện nghỉ. Những ngày cuối năm, người lao động liên tục phản ánh về tình trạng nợ lương kéo dài và nợ cả tiền bảo hiểm xã hội cho thấy, việc chậm lương, nợ lương không còn là vấn đề cục bộ tại một số đơn vị yếu kém về mặt quản lý như các năm trước mà đã phổ biến hơn do khó khăn chung của nền kinh tế.

Mặc dù chưa hết năm, chưa có nhiều doanh nghiệp công bố về mức thưởng Tết năm nay nhưng nhìn chung khối doanh nghiệp tư nhân đang đứng trước tình trạng khó khăn nên có thể nhiều đơn vị không có thưởng Tết. Ngành ngân hàng, vốn được xem là ngành có truyền thống thưởng Tết cao thì năm nay do kinh tế khó khăn nhiều ngân hàng không làm ăn được nên dự đoán năm nay sẽ có mức thưởng Tết khiêm tốn.

6. Thiếu vốn đầu tư, nhiều địa phương lên kế hoạch phát hành trái phiếu

Trong tổng thể chung, thu ngân sách năm nay gặp khó chủ yếu do tác động không thuận lợi từ những khó khăn của nền kinh tế, hoạt động trầm lắng của thị trường tài chính và bất động sản, kết hợp với việc thực hiện các giải pháp ưu đãi thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường....

Tổng thu cân đối ngân sách cả năm tăng 5% so với năm 2011, ước đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm 0,14%, thấp hơn nhiều so với các năm gần đây. Trong khi đó, tổng chi ngân sách tăng 0,11% so với dự toán và tăng 14,6% so với năm 2011. Bội chi ngân sách của Việt Nam năm nay đã đạt mức 4,8% GDP theo kế hoạch trước đó.

Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều năm qua, cả ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM đã không đạt chỉ tiêu về thu ngân sách. Việc này gây khó khăn về cân đối, buộc phải cắt giảm đầu tư và chi tiêu. Theo đó, nhiều địa phương lên kế hoạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tăng thêm nguồn thu.

Thu ngân sách không đạt kế hoạch gây khó khăn về cân đối, buộc phải cắt giảm đầu tư và chi tiêu.
Thu ngân sách không đạt kế hoạch gây khó khăn về cân đối, buộc phải cắt giảm đầu tư và chi tiêu.

HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua phương án phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương để đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng. Hiện tại Bộ Tài chính đang thẩm định phương án phát hành trái phiếu 1.000 tỷ đồng của Bắc Ninh. Còn phương án phát hành 5.000 tỷ đồng của Đà Nẵng sẽ bắt đầu thực hiện ngay trong năm 2013 với lượng vốn huy động chia theo phân kỳ đầu tư.

Ngoài các địa phương nói trên, một số địa phương vùng Tây Bắc và Bình Dương cũng đã rục rịch lên phương án phát hành trái phiếu.

Trước các địa phương trên, chỉ có TPHCM huy động vốn qua kênh trái phiếu. Trong năm 2012, TPHCM cũng đã phát hành thành công 3.210 tỷ đồng trái phiếu địa phương kỳ hạn 3 và 5 năm. Đây được coi là dấu hiệu tích cực hỗ trợ cho đợt phát hành trái phiếu của Đà Nẵng và Hà Nội và các tỉnh thành khác trong thời gian tới.

7. Tổng mức bán lẻ tiếp tục tăng cao hơn GDP

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2012, mặc dù kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do sức mua kém, cầu yếu, hàng tồn kho khá cao, thị trường trong nước vẫn tiếp tục phát triển, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung cả năm 2012 ước tính đạt 2.319,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15,72% so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng trên 24% của tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong hai năm 2011 và 2010 thì mức tăng trưởng trong năm nay có phần chững lại.

Trước đó, theo ước tính của Vụ thị trường trong nước - Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội cả năm 2012 tăng 18% so với năm 2011, ước đạt 2.550 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ tiếp tục tăng 6,4 - 6,8%, tăng cao hơn mức tăng trưởng GDP.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo đánh giá, một nước có dân số trẻ như Việt Nam có sức hấp dẫn với ngành công nghiệp dịch vụ và phân phối nhờ kết quả khả quan về sức tiêu thụ của thị trường. Báo cáo của Research and Markets khẳng định Việt Nam là một trong năm thị trường bán lẻ sinh lời nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 23 - 25%/năm. Tuy nhiên, theo số liệu của Retail Asia, doanh thu trên mỗi mét vuông bán lẻ ở Việt Nam còn khá thấp so với khu vực, lại chậm cải thiện.

Bức tranh của ngành bán lẻ Việt Nam đang được vẽ lại bằng các chuỗi hình thành tương đối rõ nét. Kênh thương mại hiện đại Việt Nam giai đoạn năm năm (2007 - 2012) đã diễn ra cuộc cạnh tranh và đổi mới mạnh mẽ với các chuỗi bán lẻ không ngừng được mở rộng của BigC, Metro, Co.opmart, Maximark, Citimart, Parkson, Lotte… bên cạnh các chuỗi mới của Aeon, Family Mart, Circle K, Giant, Daiso... Chưa kể các thương hiệu đang bắt đầu tham dự như Takashimaya, E-Mart, Mapletree, Berli Jucker, Index Living Mall…

Dù tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ chậm lại do kinh tế khó khăn, một số nhà đầu tư chậm gia nhập thị trường, nhưng cuộc đua mở chuỗi vẫn tăng nhanh. Ước tính từ 2010 - 2012, số lượng siêu thị mở mới xấp xỉ con số của cả giai đoạn mười năm trước cộng lại.

Nguồn Khampha


Sự kiện