Thứ Hai | 31/12/2012 07:02

7 điểm nổi bật trên thị trường tiền tệ ngân hàng 2012

Tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng cao, phanh phui nhiều vụ vi phạm về tài chính ngân hàng... là những điểm nổi bật trong năm qua.
1. Tỷ giá ổn định, niềm tin vào VND được củng cố

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữ vững ở 20.828 đồng/USD. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng hầu như ổn định và hầu hết thời gian giao dịch thấp hơn giá trần 21.036 đồng/USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá USD ngân hàng có 6 tháng tăng và 6 tháng giảm. So với cuối năm 2011, chỉ số giá USD đã giảm 0,96%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tỷ giá ổn định đã góp phần tích cực đến việc kiềm chế lạm phát đồng thời góp phần làm cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được một lượng ngoại tệ lớn từ dân cư và doanh nghiệp, giúp cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đẩy tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên khoảng 24 tỷ USD, tương đương khoảng 12 tuần nhập khẩu - tăng mạnh so với mức 9 tỷ USD cuối 2011.

Nguồn: ADB
Nguồn: ADB

Nguyên nhân quan trọng khiến tỷ giá ổn định trong năm qua là cả nước xuất siêu 284 triệu USD - lần đầu tiên xuất siêu từ năm 1993 (năm 1992 Việt Nam xuất siêu 40 triệu USD, do ngưng trệ nguồn nhập khẩu từ Liên Xô cũ, Đông Âu). Kiều hối về Việt Nam 2012 cũng tăng và dự báo đạt 10 - 11 tỷ USD, cao hơn mức 9 tỷ USD của 2011, các dòng vốn khác như FDI tuy suy giảm so với 2011 (tổng vốn đăng ký theo Tổng cục Thống kê đạt 12,7 tỷ USD, bằng 82,1% cùng kỳ năm trước; giải ngân đạt 10,5 tỷ USD, bằng hơn 95% năm 2011) nhưng cũng có ảnh hưởng tích cực đến tỷ giá.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã có thông điệp đối với thị trường là giữ ổn định tỷ giá năm nay, nếu có biến động cũng chỉ 2 - 3%.

2. Nợ xấu tăng mạnh

Nhen nhóm từ năm 2011 khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên đề cập đến con số nợ xấu, thì sang 2012, chưa bao giờ vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chưa bao giờ lại được quan tâm nhiều như vậy.

Ngay từ những ngày đầu năm 2012, Thống đốc Bình đã nhận định: "Nợ xấu của ngân hàng tăng lên khá mạnh so với trước đây".

Theo báo cáo giải trình chất vấn của Thống đốc tại kỳ họp lần 4 Quốc hội khoá XIII, tính từ tháng 1 đến tháng 5/2012, tốc độ tăng nợ xấu từ 6,59% - 9,35% và lần cập nhật mới nhất là đến tháng 10/2012 theo công bố của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN tại buổi họp báo ngày 27/12, tốc độ này là âm 0,95%. Nợ xấu cũng liên tục tăng từ năm 2008 đến nay, đến tháng 10/2012, nợ xấu tăng khoảng 66%.

Nguồn: Báo cáo của Thống đốc gửi Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII/Gafin
Nguồn: Báo cáo của Thống đốc gửi Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII/Gafin

Về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, dù con số các đơn vị đưa ra còn nhiều chênh lệch nhưng 2012 được coi là năm đầu tiên Ngân hàng Nhà nước công bố một cách cụ thể nhất về nợ xấu.

Cụ thể, NHNN dẫn báo cáo của các tổ chức tín dụng cho biết, tính đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu trong tổng tín dụng đối với nền kinh tế là 4,93%.
Nguồn: SBV
Nguồn: SBV

Trong khi đó, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng 13/11 về con số chính xác nợ xấu, với 3 số liệu về nợ xấu - của tổ chức tín dụng, NHNN và tổ chức quốc tế - số liệu đáng tin cậy nhất là số liệu của cơ quan Nhà nước. Và theo Ngân hàng Nhà nước, đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống khoảng 8,82%.

Trước tình hình này, hàng loạt các giải pháp đã được đề xuất và thực hiện nhằm giải quyết triệt để vấn nạn nợ xấu như xử lý các ngân hàng yếu kém, thành lập công ty mua bán nợ xấu, bơm tiền giải quyết nợ xấu bất động sản, yêu cầu TCTD trích lập đủ dự phòng, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho doanh nghiệp, xử lý tài sản đảm bảo....

Trong các giải pháp này, việc xử lý các ngân hàng yếu kém và việc thành lập công ty mua bán nợ xấu được dư luận quan tâm nhất.

Với việc xử lý ngân hàng yếu, theo Thống đốc Bình, có khoảng 9 ngân hàng yếu kém trong hệ thống. Đến nay, đã có 3 ngân hàng hợp nhất, 1 ngân hàng sáp nhập, 2 ngân hàng tự tái cơ cấu, 2 ngân hàng hiện đang được báo cáo Chính phủ phương án tái cơ cấu, 1 trong đó tự tái cơ cấu và 1 sẽ được sáp nhập với ngân hàng khác, 1 ngân hàng hiện đang được NHNN xây dựng phương án cuối cùng.

Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu, với kỳ vọng xử lý khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu, được đưa ra từ giữa năm, đã qua nhiều lần thảo luận nhưng đến nay - đã gần hết năm 2012 - đề án vẫn chưa được công bố và triển khai.

Mới đây, bên lề cuộc họp của Chính phủ với các tỉnh thành về tình hình kinh tế xã hội 2012 và kế hoạch 2013, Thống đốc Bình cho biết, đề án thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia hiện cũng đã được hoàn thiện và bằng các biện pháp trực tiếp, có thể giải quyết được 4-5% nợ xấu (trong tổng số khoảng 8%) của hệ thống ngân hàng trong 2013.

Trước đó, tại cuộc họp với TPHCM và Hà Nội ngày 18 - 19/12, Thống đốc Bình cho biết, hệ thống ngân hàng sẽ bơm ra 100.000 - 150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu trong quý II, quý III/2013, chủ yếu là nợ xấu liên quan đến bất động sản.

3. Liên tục hạ trần lãi suất huy động VND và bỏ trần với kỳ hạn trên 12 tháng

Từ đầu 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 5 lần hạ trần lãi suất huy động từ 14%/năm hồi cuối 2011 xuống còn 8%/năm.

Đáng chú ý, kể từ 11/6/2012, trần lãi suất huy động chỉ áp dụng cho kỳ hạn dưới 12 tháng, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất sẽ do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Mức lãi suất huy động cao nhất 14%/năm - bao gồm cả các khoản chi khuyến mại - được các ngân hàng cam kết áp dụng tại cuộc họp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Tổng thư ký và các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) ngày 14/12/2010.

Đến 3/3/2011, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức hoá việc áp trần lãi suất huy động 14%/năm với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.


Thời điểm đó, việc bỏ trần lãi suất huy động với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được xem như một biện pháp tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng huy động vốn để cân đối nguồn vốn vay trung và dài hạn. Đồng thời, theo thông cáo của NHNN, việc này cũng nhằm hình thành đường cong lãi suất và "tạo tiền đề cho việc dỡ bỏ lãi suất tiền gửi tối đa trong thời gian tới".

Thực tế, trong khoảng thời gian từ 11/6 đến nay, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đã liên tục được các ngân hàng điều chỉnh. Thị trường từng chứng kiến những cuộc đua lãi suất kỳ hạn dài như khoảng thời gian trung tuần tháng 9, khi lãi suất huy động lên tới 13%/năm với một số kỳ hạn trên 12 tháng.

Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng lớn đã đồng loạt giảm về dưới 12%/năm và ngân hàng nhỏ còn khoảng 12,5%/năm.

Đồng thời với việc hạ trần lãi suất huy động VND, Ngân hàng Nhà nước cũng hạ các lãi suất điều hành khác như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu và lãi suất trên thị trường mở (OMO).

Nguồn: SBV/Gafin
Nguồn: SBV/Gafin

Việc hạ lãi suất của NHNN diễn ra trong bối cảnh lạm phát giảm và tín dụng tăng thấp hoặc không tăng trưởng. Do đó, hạ lãi suất huy động sẽ góp phần hạ lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, động thái hạ lãi suất dường như vẫn chưa tác động nhiều đến tình hình cho vay của các ngân hàng khi tín dụng cả nước đến cuối tháng 7 - sau khi NHNN hạ lãi suất 4 lần - mới chỉ tăng trưởng 1,24%. Một điểm đáng chú ý khác là dù trần lãi suất huy động hạ liên tục nhưng khi thị trường chứng khoán, bất động sản và vàng trầm lắng, tỷ giá ổn định, thì huy động vốn của các TCTD vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Nguồn: SBV
Nguồn: SBV/Gafin

4. Trần lãi suất cho vay được áp dụng

Hồi đầu tháng 5/2012, trước bối cảnh tín dụng tăng trưởng âm từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2012/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng với một số ngành, lĩnh vực kinh tế.

Theo đó, lãi suất cho vay tối đa bằng VND với 4 lĩnh vực sẽ bằng lãi suất huy động VND tối đa kỳ hạn từ 1 tháng trở lên cộng 3%/năm, tương đương với mức lãi suất cho vay tối đa là 15%/năm vào thời điểm đó.

Như vậy, dù lãi suất cho vay tối đa hay còn gọi là trần lãi suất cho vay chỉ áp dụng với kỳ hạn ngắn và cho một số lĩnh vực nhưng đây là lần đầu tiên được NHNN áp dụng.

Mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND này đã được hạ xuống 13%/năm vào khoảng trung tuần tháng 6/2012 và vừa được hạ tiếp xuống 12%/năm từ 24/12/2012.

Việc áp trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực bao gồm nông nghiệp nông thôn, kinh doanh xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ và công nghiệp hỗ trợ - ước tính chiếm từ 60 - 80% tổng dư nợ tại mỗi ngân hàng thương mại - của NHNN nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng trong bối cảnh tín dụng không tăng trưởng hoặc tăng trưởng thấp.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc này chưa cao khi các ngân hàng chọn lọc đối tượng áp trần lãi suất cho vay: những doanh nghiệp được ngân hàng đánh giá là đủ điều kiện mới được áp dụng mức lãi suất này. Theo các ngân hàng, đây cũng là biện pháp nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, tránh nợ xấu tăng cao.

Tính đến 30/6 - gần 2 tháng sau khi trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực được áp dụng, tín dụng cho nền kinh tế vẫn chỉ tăng trưởng 0,76%, sau khi tăng trưởng âm 0,89% vào cuối tháng 5.
Mới đây, tại cuộc họp báo cuối năm của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Bình cho biết, NHNN sẽ không tính đến việc áp dụng trần lãi suất chung với tất cả lĩnh vực. "Nếu năm 2012 áp trần lãi suất cho vay chung thì không có tăng trưởng kinh tế 5% và không hướng được tín dụng vào sản xuất", Thống đốc nói.

5. Tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong lịch sửTheo công bố của NHNN, tăng trưởng tín dụng đến 20/12 ước 6,45%, cả năm ước tăng 7% so cuối 2011, thấp hơn mức tăng 14,41% của năm 2011.

Năm 2011, khi công bố số liệu tăng trưởng tín dụng ước cả năm là hơn 10%, Thống đốc Bình nhận xét đây là mức tăng thấp nhất từ trước đến nay của ngành ngân hàng. Như vậy, tín dụng năm 2012 tiếp tục lập đáy mới.

Nguồn: Báo cáo thường niên NHNN/Tổng cục thống kê/Gafin
Nguồn: Báo cáo thường niên NHNN/Tổng cục thống kê
*Số liệu tăng trưởng tín dụng 2000 - 2002 theo nguồn tổng hợp

Nguyên nhân của việc tín dụng tăng trưởng thấp là do sức cầu của nền kinh tế yếu, tồn kho và nợ xấu tăng cao.

Trong năm, NHNN đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng như gần như đưa hoàn toàn bất động sản ra khỏi nhóm tín dụng phi sản xuất - nhóm cần phải hạn chế cho vay; hạ lãi suất, cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ cũ cho khách hàng.... Tuy nhiên, các giải pháp này dường như chưa đạt được kết quả như mong muốn.

6. Quốc hữu hoá quyền sản xuất vàng miếng

Đối với thị trường vàng, năm 2012 ghi dấu ấn bằng Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và thông tư hướng dẫn thi hành nghị định này.

Theo Nghị định này, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân sẽ chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Cùng với Nghị định 24, lãnh đạo NHNN cũng cho biết, sẽ xây dựng thương hiệu vàng Quốc gia và có khả năng sẽ chọn SJC làm thương hiệu vàng Quốc gia do thương hiệu này hiện đang chiếm thị phần chủ yếu trên thị trường vàng (khoảng 90% thị phần).

gsdg
SJC được chọn làm thương hiệu vàng Quốc gia

Việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và xây dựng thương hiệu vàng Quốc gia có nhiều ưu điểm như vàng miếng sẽ có chung nguồn gốc xuất xứ, chung quy định về chất lượng, giá cả..., tạo sự thuận lợi trong quản lý. Tuy nhiên, quy định của Nghị định 24 cũng tạo nên nhiều bất cập.

Thứ nhất, với nhiều đơn vị đã được cấp phép sản xuất vàng miếng trước đây như Bảo Tín Minh Châu, công ty vàng Agribank, SBJ-Sacombank..., tất cả máy móc thiết bị được đầu tư hàng tỷ đồng có thể trở nên vô giá trị, lao động làm việc ở đây không còn việc làm.

Thứ hai, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: mọi loại hình doanh nghiệp đã quy định trong Luật đều được Nhà nước công nhận và đảm bảo sự công bằng trước pháp luật, không phân biết hình thức sở hữu, thành phần kinh tế.

Đặc thù của hoạt động kinh doanh vàng miếng là không có sự khác biệt giữa doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, dường như điều kiện doanh nghiệp kinh doanh vàng phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng và một số điều kiện khác được quy định trong Nghị định 24 đang gây mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp.

Theo ước tính của ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, số lượng doanh nghiệp mua bán vàng miếng trên cả nước sẽ giảm tới 90% so với hiện nay khi thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 24 có hiệu lực vào đầu 2013.
Thứ ba, với thông tin về việc sẽ chọn SJC làm thương hiệu vàng Quốc gia đã làm nảy sinh một số vấn đề trên thị trường thời gian qua như xuất hiện vàng nhái, vàng giả SJC; sự độc quyền thương hiệu khiến giá vàng nhãn hiệu khác rẻ hơn SJC từ 1 - 2 triệu đồng/lượng, thậm chí lên tới 3 triệu đồng/lượng và gây nên sự chuyển đổi vàng nhãn hiệu khác về nhãn hiệu SJC. Trong giai đoạn chuyển đổi này, cơ quan quản lý đã phát hiện việc không đủ tiêu chuẩn bốn số 9 ở vàng miếng của nhiều nhãn hiệu khác.
7. Biến cố gây chấn động thị trường tại ACB

Năm 2012 cũng là năm chứng kiến hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến tài chính ngân hàng bị phanh phui và gây chấn động nhất là vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập của ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB.

Do liên quan đến vụ việc của ông Kiên, các ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB và 2 nguyên Phó chủ tịch của ngân hàng này là ông Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang cũng đã bị khởi tố do đã làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB là 718,908 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Chủ tịch HĐQT ACB
Ông Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB

Biến cố này của ACB đã gây nên một cơn chấn động cả trên thị trường chứng khoán và thị trường ngân hàng. Người dân ồ ạt đến rút tiền khỏi ACB, đặc biệt trong 2 ngày 21 và 22/8 sau khi ông Kiên bị bắt - theo nhận định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Trước tình trạng rút tiền của người dân, ACB và Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức đã phát đi thông cáo trấn an khi cho biết, việc ông Kiên bị bắt không ảnh hưởng gì đến ACB và NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng này và các ngân hàng khác nếu có bất kỳ việc gì xảy ra.

Thực tế, ngay trong ngày 21 và 22/8, ACB đã được NHNN hỗ trợ thanh khoản với khoản hỗ trợ ngày 21/8 - theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Tô Duy Lâm tại ĐHCĐ ngày 26/12/2012 - là 5.000 tỷ đồng và ngày 22/8 là 7.000 tỷ đồng qua thị trường mở - theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB.

Tổng cộng Ngân hàng Nhà nước đã phải hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho ACB để giúp ngân hàng ổn định, ông Tô Duy Lâm cho biết thêm tại ĐHCĐ mới đây của ngân hàng.

Biến cố này thực sự đã tạo dấu ấn mạnh với hoạt động của ACB khi lượng tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này đến 30/9 giảm gần 22.800 tỷ đồng, tương đương 15,6% so với thời điểm 30/6 và giảm 13.620 tỷ đồng, tương đương 13,6% so với cùng kỳ 2011.

Nguồn Khampha


Sự kiện