65.000 tỷ đồng đầu tư các tuyến đường tại Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020
Theo Bộ Giao thông vận tải, hơn 30.000 tỷ đồng đã được huy động để đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ tại Tây Nguyên giai đoạn năm 2011 - 2015, vượt kế hoạch 9.000 tỷ đồng.
Kế hoạch giai đoạn năm 2016 - 2020 dự kiến cần thêm khoảng 65.000 tỷ đồng để đầu tư đồng bộ các đoạn tuyến còn lại theo thứ tự ưu tiên có chiều dài khoảng 1.380km (QL14C, 19, 27, 25, 24, 26, 28, 29, 55, 28B, 40, 40B và tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương).
Vận tải đường bộ hiện đóng vai trò quan trọng nhất tại Tây Nguyên với hệ thống các tuyến đường có chiều dài khoảng 32.220 km.
Trong đó, quốc lộ khoảng 2.100 km, bao gồm: Hai trục dọc đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ), QL14C chạy dọc biên giới; các tuyến quốc lộ ngang gồm: 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 40, 40B và 55; Tỉnh lộ khoảng 2.030 km. Còn lại là đường giao thông nông thôn, đường đô thị và đường chuyên dùng.
Ngoài ra, khu vực này còn có đường Trường Sơn Đông dài khoảng 670 km.
Về tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài khoảng 200 km, tổng mức đầu tư khoảng 64.000 tỷ đồng, hiện Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương phân kỳ đầu tư để đưa vào khai thác năm 2020. Dự kiến, sẽ đầu tư BOT đoạn Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương. Đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, nằm ở trung tâm của Đông Dương, có hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Tây Nguyên có hệ thống giao thông liên hoàn với các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ; có 554 km đường biên giới Lào và Campuchia, cùng các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông - Tây; không quá xa các cảng biển nước sâu như: Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội... Do vậy, Tây Nguyên vừa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, vừa có điều kiện phát triển nền kinh tế mở. |
Nguồn Bộ GTVT