60 doanh nghiệp trên con đường 'nhà biến thành hầm' đóng cửa
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Quang Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Tân cho biết, tính đến hết ngày 26/9 đã có 60 doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng kinh doanh vì ảnh hưởng từ dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên tuyến đường Kinh Dương Vương. Những doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động ở các ngành nghề như cho thuê phòng trọ, hàn tiện gia công, hàng quán ăn uống…
“Doanh nghiệp có nguyện vọng đóng cửa kinh doanh trong thời gian thi công dự án phải thông báo về Chi cục Thuế để đơn vị này nắm tình hình và khảo sát thực tế, nếu được chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ nhận hỗ trợ miễn thuế”, ông Phúc giải thích quy trình xin tạm ngừng hoạt động và cho biết số tiền miễn thuế từ tháng 6 đến nay khoảng 218 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, dự án này dự kiến hoàn thành trong tháng 11 năm nay. Theo đó, nếu hết thời gian ngưng kinh doanh theo đăng ký nhưng đường vẫn chưa xong thì doanh nghiệp có thể tiếp tục đề đạt để được hỗ trợ miễn thuế lần nữa.
Dự án chống ngập của Trung tâm chống ngập TP HCM làm chủ đầu tư sau khi hoàn thành sẽ nâng cao độ mặt đường lên từ 0,4 đến 1,2 m khiến hàng trăm cơ sở kinh doanh bị biến thành hầm, thấp hơn vỉa hè từ 0,6 đến 1m.
Ông Đặng Viết Hùng, chủ một cửa hàng kinh doanh phụ tùng ôtô cho biết, doanh thu giảm hơn 90% từ ngày dự án khởi công nên anh quyết định đóng cửa và xin miễn thuế 3 tháng. Hiện, doanh nghiệp này hoạt động cầm cự và giữ khách quen bằng hình thức bán hàng trực tuyến.
“Con đường này bụi mù mịt nên người ta đi theo đường tránh, nếu bất đắc dĩ chạy ngang đường này thì cũng ráng qua cho nhanh chứ không ai dừng lại mua hàng. Cửa hàng tôi cả tháng nay không có một khách vãng lai nào ghé xem hàng, doanh thu chỉ nhờ vào chuyển hàng cho các đại lý ở miền Tây”, bà Lê Thị Mỹ Lệ, chủ cơ sở trang trí nội thất Tiến Hòa cho biết.
Phòng giao dịch của ngân hàng VietinBank đã đóng cửa, chuyển sang địa điểm giao dịch mới từ 26/9. Mặt tiền phía trước với ngổn ngang gạch đá trở thành chỗ phóng uế của người dân.
Chủ một cửa hiệu tạp hóa cho biết tình hình kinh doanh ế ẩm nên đã nhiều tuần không lấy thêm hàng, cửa hiệu chỉ còn lưa thưa vài món đồ.
Ôtô trưng bày trong cửa hàng cũng nằm đắp chiếu.
Hàng hóa đều được bao bọc cẩn thận nhưng khi mở ra vẫn đám đầy bụi.
Dù mặt đường mới được đổ đá nâng thêm 30cm nhưng chiếc xe chở hàng cũng phải chật vật mới leo lên được.
Khách thuê mặt bằng bỏ hợp đồng vì kinh doanh ế ẩm. Nhiều gia đình phá tường gạch chặn trước cửa để cho thợ xây vào cải tạo nhà mới.
Cửa nhà bị che kín hơn phân nửa khiến không gian nóng bức. Ông Khang, chủ cửa hàng thiết bị nông cụ cho biết, dù bên ngoài nắng chói chang nhưng suốt ngày trong nhà phải mở đèn và bật quạt hết công suất.
Đoạn từ đường Tên Lửa đến vòng xoay An Lạc là một phần trong dự án này vẫn lởm chởm đá sỏi. Do thi công theo dạng cuốn chiếu nên xe cộ di chuyển tập trung ở phần đường cạnh dải phân cách, hiếm hoi mới có một vài người đi vào phần đường bên dưới để tìm mua hàng.
Mặt đường được nâng lên vài chục cm nên chỉ sau hai cơn mưa lớn, nước tràn vào gây ngập lênh láng ở trạm xăng dầu.
Nguồn Vnexpress