6 thông tin tiền tệ ngân hàng nổi bật tuần qua
Sau 9 phiên đấu thầu liên tiếp tính từ cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra thị trường 263.400 lượng vàng, tương đương khoảng 10 tấn vàng. Trước đó, theo TBKTSG, NHNN đã dập khoảng 10 tấn vàng để phục vụ việc đấu thầu này.
Tuy nhiên khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn không có chiều hướng thu hép, đáng chú ý trong tuần qua có thời điểm, giá vàng trong nước đã cao hơn thế giới tới 7 triệu đồng/lượng - lập kỷ lục mới.
Trước đó, trả lời câu hỏi ai là người đang được lợi qua việc giá vàng chênh lệch, vị đại diện NHNH khẳng định bản thân người dân nếu không chạy theo mục đích đầu cơ thì đều không ảnh hưởng gì. Còn NHNN nếu có bán được vàng giá bao nhiêu thì cũng đưa về cho ngân sách quốc gia chứ không hề có vụ lợi nào khác.
Chính phủ đề nghị ưu đãi thuế cho VAMC
Chiều 16/4, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai báo cáo, trước bối cảnh phát sinh và tồn tại nhiều khoản nợ xấu trong nền kinh tế, Bộ Chính trị đã phê duyệt đề án thành lập công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để tham gia xử lý nợ xấu.
Để hỗ trợ cho VAMC thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép "Tài sản đảm bảo của khoản nợ mua vào, bán ra của VAMC, do Chính phủ thành lập, thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng".
Như vậy, dù chưa được thành lập, nhưng VAMC đã được Chính phủ đề nghị ưu đãi thuế, song nhiều ý kiến tại Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội không tán thành.
Còn 35 ngân hàng chưa thu phí ATM nội mạng
Báo cáo về kết quả bước đầu triển khai thực hiện Thông tư 35, NHNN cho biết, hiện việc thu phí giao dịch ATM nội mạng của các tổ chức phát hành thẻ phân thành 2 nhóm chính.
Trong đó, nhóm có chính sách thu phí giao dịch ATM nội mạng gồm 8 ngân hàng: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, Sacombank, LienVietPost Bank, Seabank và Western Bank. Đây là những ngân hàng đã mất nhiều chi phí đầu tư hạ tầng dịch vụ ATM, có nhu cầu thu phí giao dịch ATM nội mạng để bù đắp một phần chi phí;
Nhóm chưa thu phí giao dịch ATM nội mạng gồm 35 ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, chưa sở hữu nhiều ATM, nên chưa mất nhiều chi phí đầu tư hạ tầng dịch vụ ATM.
NHNN yêu cầu các TCTD rà soát lại toàn bộ mạng lưới
Thống đốc NHNN vừa có yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) lập kế hoạch rà soát toàn diện tổ chức và hoạt động của hệ thống các đơn vị mạng lướ.
Việc rà soát lại toàn bộ các đơn vị mạng lưới trong toàn hệ thống của TCTD và kiện toàn hệ thống này được coi là một nội dung quan trọng trong phương án cơ cấu lại TCTD trong giai đoạn 2013-2015.
Trên cơ sở rà soát lại toàn bộ các đơn vị mạng lưới, TCTD có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại hoạt động của hệ thống mạng lưới. Đối với những đơn vị hoạt động không hiệu quả (kinh doanh thua lỗ, không an toàn, vi phạm quy định của pháp luật), TCTD phải có kế hoạch khắc phục, hoặc đóng cửa, hoặc chuyển giao về đơn vị đầu mối khác.
Thống đốc khẳng định tỷ giá năm 2013 sẽ tăng không quá 2%
Tại buổi làm việc của Thống đốc Nguyễn Văn Bình về triển khai các giải pháp tiền tệ - ngân hàng tại An Giang mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc phá giá đồng tiền không có lợi cho tổng thể nền kinh tế, do Việt Nam vẫn đang là nước nhập siêu và ít nhất phải nhập siêu trong 5 năm tới. Tỷ giá ổn định là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và tỷ giá chỉ nên biến động trong khoảng 1-2%. "Tỷ giá năm 2013 sẽ tăng không quá 2%", Thống đốc khẳng định.
Thống đốc cũng thông tin thêm, mặc dù chủ trương sẽ hạn chế cho vay ngoại tệ, chuyển dần sang quan hệ mua bán để giảm tình trạng đôla hóa, tuy nhiên các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hiện vẫn được vay ngoại tệ để tiết giảm chi phí (so với tiền đồng).
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu thời gian tới các ngân hàng sẽ đưa lãi suất cho vay USD về mức 4-5%/năm.
Chưa có hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội
Gói 30.000 tỷ đồng chính phủ giao cho các ngân hàng thương mại cho vay mua nhà ở xã hội hiện vẫn chỉ mới dừng ở dự thảo, dù dự kiến ban đầu là sẽ áp dụng từ 15/4 vừa qua.
Theo Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 5, chủ trương cho vay thuê mua, thuê nhà ở xã hội được quy định cụ thể tại dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP mới có thể được thông qua và có hiệu lực.
Hiện tại cơ quan này đang sửa lại một số nội dung của dự thảo thông tư cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, theo đề nghị của các ban ngành, cụ thể như thêm vào thông tư phần cho vay mua, thay vì chỉ thuê mua, hoặc thuê.
Sẽ chỉ có 5 ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm cả ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối như Vietinbank, Vietcombank, BIDV) thực hiện gói cho vay trên, với lãi suất 6%/năm, thời gian trả nợ là 10 năm. Trong 3 năm đầu, lãi suất sẽ ở mức 6%, sau đó sẽ quy định lại lãi suất nhưng vẫn phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.
Nguồn Dân Việt