Chủ Nhật | 10/03/2013 10:23

6 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Giá điện tăng trên 5% phải xin Thủ tướng phê duyệt, vốn FDI lần đầu tiên đổ vào đường cao tốc... là những tin nổi bật tuần qua.
Nguy cơ kinh tế Việt Nam rơi vào luẩn quẩn ngày một hiện hữu

Đây là nhận định của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trong Bản tin kinh tế quý I/2013 vừa được ban hành.

Nhìn lại mức tăng trưởng 5,03% của năm 2012, mức thấp nhất trong vòng hơn 10 năm qua, Ủy ban Kinh tế cho rằng nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn ngày một hiện hữu: tăng trưởng suy giảm có tác động làm gia tăng nợ xấu và đến lượt mình, nợ xấu gia tăng sẽ làm tắc nghẽn dòng tín dụng nuôi dưỡng nền kinh tế thực và qua đó sẽ có tác động làm tăng trưởng tiếp tục suy giảm.

Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng, trong 2013, nguy cơ lớn nhất với kinh tế Việt Nam là lạm phát tiềm ẩn. Uỷ ban nhận định, chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 khoảng 8% là một mục tiêu khá tham vọng.

Giá điện tăng trên 5% phải xin Thủ tướng phê duyệt

Đây là thông tin trong dự thảo quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được Bộ Công thương lấy ý kiến.

Theo dự thảo, nếu các thông số đầu vào tăng từ 2% đến 5% và trong khung giá quy định thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau được Bộ Công Thương chấp thuận.

Khi thông số đầu vào biến động trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định và sau đó trình Thủ tướng phê duyệt.

Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương trình Thủ tướng mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.

Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng trở lại

Kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu” hàng quý do EuroCham thực hiện vào tháng 2/2013 vừa công bố ngày 7/3 cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã tăng từ 45 lên 48 điểm.

So với cuộc khảo sát quý trước, số lượng doanh nghiệp đánh giá tốt về tình hình kinh doanh hiện tại đã tăng từ 26% lên 40%, 36% doanh nghiệp có cái nhìn trung lập và số còn lại có đánh giá tiêu cực.

Viễn cảnh kinh doanh cũng được cải thiện đôi chút với mức đánh giá tích cực là 30%, tiêu cực là 28% và mức trung lập vẫn giữ nguyên 42%.

Về lo ngại, 45% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng lạm phát có tác động căn bản đến công việc kinh doanh trong trung hạn.

Các doanh nghiệp cũng đánh giá, những chính sách thuế và kiểm toán là yếu tố gây trở ngại mạnh mẽ nhất với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 1,3 tỷ USD

Theo báo cáo từ Bộ Công thương, cả nước xuất siêu 1,68 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, bằng 8,83% kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, đáng chú ý, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là nhân tố chính giúp cán cân thương mại thặng dư. Tính chung 2 tháng đầu năm, trong khi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu tới 2,97 tỷ USD thì khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,29 tỷ USD.

Vốn FDI lần đầu tiên đổ vào đường cao tốc

Bộ Giao thông vận tải mới đây đã quyết định đề xuất Chính phủ phương án chọn Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco - Central) làm nhà đầu tư dự án nâng cấp đoạn đầu tiên của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ) theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT).

Nếu được Thủ tướng chấp thuận, dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ sẽ là dự án đường cao tốc đầu tiên do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp.

Chính phủ yêu cầu Hà Nội, TPHCM tiếp tục nghiên cứu đổi giờ học, giờ làm

Việc nghiên cứu này phải dựa trên việc đảm bảo hạn chế lưu lượng phương tiện, người tham gia giao thông trong giờ cao điểm nhưng không gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đi lại của người dân.

Nguồn Khampha


Sự kiện