Thứ Sáu | 04/01/2013 07:06

"6 tháng đầu 2013 nên yên tâm về lạm phát"

Năm 2013, lãi suất huy động có thể xuống được 7%/năm, song việc tốt hơn là nên bỏ trần lãi suất, ông Tống Minh Tuấn nhận định.
Cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Chính phủ đã đưa ra nhiều tín hiệu tích cực như hạ lãi suất, xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, trong đó có thị trường chứng khoán. Trước những động thái này, ông Tống Minh Tuấn - trưởng Bộ phận phân tích công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã đưa ra một số nhận định về triển vọng của thị trường trong năm 2013.

Cuối năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã hạ trần lãi suất thêm 1%. Ông đánh giá như thế nào về động thái này và liệu lãi suất còn cơ hội giảm trong năm 2013 không?

Đợt hạ lãi suất vừa qua thực ra là việc Chính phủ đã cân nhắc kỹ khi việc duy trì lãi suất cao theo tâm lý bắt đầu lỗi thời bởi lạm phát xuống và các doanh nghiệp chịu lãi suất cao đình trệ. Tuy nhiên, nếu để các ngân hàng tự nguyện hạ lãi suất thì hơi khó do rủi ro của nền kinh tế vẫn còn.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải dùng mệnh lệnh tài chính là hạ trần lãi suất 1%, song có điểm khác so với đợt trước là có một số ngân hàng đang thừa vốn nên việc giảm lãi suất lần này tự nhiên hơn các đợt trước.

Năm 2013, lãi suất huy động có thể xuống được 7%/năm, song việc tốt hơn là nên bỏ trần lãi suất. Bởi NHNN chỉ nên đặt trần khi thanh khoản căng thẳng, còn khi bình thường nếu đặt trần lãi suất thì sẽ làm mất tính cạnh tranh về giá, khiến người gửi tiền cho thể chuyển hết sang ngân hàng lớn. Song, trước mắt phải ổn định hệ thống ngân hàng thì mới dỡ được mệnh lệnh hành chính này.

Bên cạnh việc hạ lãi suất, điều quan trọng là tính hiệu quả của việc lưu thông của dòng vốn. Hiện nay, nhiều ngân hàng không cho vay ra được do khách hàng tốt không có và có một vài ngân hàng gặp khó khăn trong thanh khoản.

Vấn đề khiến dòng vốn của nền kinh tế "ách tắc" hiện nay là do nợ xấu. Ông nhận xét gì về việc Chính phủ đang xem xét đề án xử lý nợ xấu và việc thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia (AMC)?

Ngoài lạm phát, lãi suất muốn hạ tiếp thì cũng phải giải quyết vấn đề nợ xấu trơn tru và các rủi ro với nền kinh tế giảm xuống. Rủi ro thì có thể hạ dần được nhưng nợ xấu thì cần nhiều thời gian.

Hiện tôi chưa nhìn thấy nhiều tín hiệu lạc quan về giải quyết nợ xấu. Việc giãn và cơ cấu lại nợ cũng chỉ mang tính "tạm lắng cơn đau", còn cái chính là hàng tồn kho phải luân chuyển được, nhất là hàng tồn kho trong bất động sản.

Việc thành lập công ty xử lý nợ xấu, mua bán bất động sản theo kiểu mua tất cả và bán lô lẻ khó khả thi bởi Việt Nam chưa có kinh nghiệm và cơ chế thành lập cần được phê duyệt của Quốc hội, mất rất nhiều thời gian.

Ước tính, nợ xấu của Việt Nam hiện khoảng 10 tỷ USD thì việc giảm dần xuống khoảng 3-4 tỷ USD là chấp nhận được. Tuy nhiên cơ chế hoạt động của AMC rất khó, chưa thể giải quyết nợ xấu ngay trong năm 2013 mà có thể chỉ bắt đầu ở mức rà soát, thực hiện những bước khởi đầu.

Tuy nhiên, những tín hiệu nói trên cũng phần nào ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán không, thưa ông?

Mặc dù nợ xấu chưa thể giải quyết ngay nhưng tín hiệu ban đầu với thị trường bước đầu là tốt. Thị trường bắt đầu đi vào hướng kiểm soát rủi ro và kiểm soát chặt chẽ hơn. Đối với thị trường thì hỗ trợ về chính sách ngay từ đầu năm rất quan trọng, nó tạo cho nhà đầu tư niềm tin.

Hiện đã có một số tín hiệu tác động tích cực đến nhà đầu tư như giải quyết hàng tồn kho bất động sản, xử lý nợ xấu, không kiểm soát tỷ trọng cho vay với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán...

Mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết đang trình Bộ Tài chính nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán năm 2013. Ông nhận định gì về động thái này?

Theo tôi, điều quan trọng hơn với nhà đầu tư hiện nay là tình hình kinh tế vĩ mô phải tốt lên để tạo môi trường đầu tư ổn định, kết quả doanh nghiệp tốt, quản lý minh bạch hơn và cân nhắc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn ngoại.

Những chính sách như điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ, mở rộng biên độ giao dịch trên hay tiếp tục miễn giảm thuế cho nhà đầu tư chứng khoán chỉ là phụ, cái chính là phải tạo cho nhà đầu tư cơ hội.

Sang năm 2013, ông đánh ra sao về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như cơ hội với thị trường chứng khoán?

Trong năm 2012, ít nhất là những "bếp bênh, khuyết tật" của nền kinh tế đã được phát hiện. Vấn đề hiện tại chỉ là xử lý chúng nhanh hay chậm và những cam kết của Chính phủ sẽ thực hiện đến đâu.

Lạm phát năm 2013 sẽ tiếp tục ở mức thấp bởi không có cơ sở tăng nhiều (sức cầu yếu khiến tiền bơm ra khó hấp thụ). Trước mắt, tôi cho rằng 6 tháng đầu năm nên yên tâm về lạm phát, nhưng Chính phủ cần chú ý việc điều hành các mặt hàng như điện, xăng, y tế, giáo dục, tránh việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đột biến như tháng 9/2012 (tăng 2,2% - cao nhất trong cả năm do tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục và xăng dầu - PV).

Thị trường năm 2013 sẽ tốt hơn năm 2012, khi rủi ro giảm xuống, kinh tế sẽ hồi phục. Thị trường chứng khoán luôn phản ứng trước nên theo tôi, từ giữa năm thị trường sẽ thực sự tốt lên.

Nguồn Khampha


Sự kiện