Thứ Năm | 08/01/2015 10:28

6 kịch bản ứng phó với giá dầu, PVN vẫn chưa lường được thực tế

PVN mới chỉ tính tới phương án giá dầu xuống 60 USD/thùng trong khi thực tế giá dầu thế giới xuống dưới 50 USD/thùng.

Trước những dự báo về tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trước xu hướng biến động khó lường của giá dầu thô trên thị trường thế giới, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đưa ra 6 phương án đối phó với các kịch bản giá dầu.

Lãnh đạo PVN: Ít ảnh hưởng nếu giá dầu dưới 60 USD/thùng

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, năm 2015, một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh cơ bản của PVN được Chính phủ giao, bao gồm gia tăng trữ lượng đạt 35 - 40 triệu tấn quy dầu; khai thác dầu khí đạt 26,6 triệu tấn; trong đó, dầu thô khai thác đạt 16,8 triệu tấn, khai thác khí đạt 9,8 tỷ m3, sản xuất phân đạm 1.525 nghìn tấn, sản xuất điện đạt 18,5 tỷ kWh…

Trên cơ sở kế hoạch sản lượng được giao này, theo ông Hồng, PVN đã xây dựng kế hoạch tài chính toàn Tập đoàn năm 2015 theo 6 phương án giá dầu cụ thể, dao động từ 60, 65, 70, 80, 90, 100 USD/thùng. Theo đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn theo kịch bản giá dầu cao nhất - 100 USD/thùng - đạt 718.400 tỷ đồng, còn theo kịch bản giá dầu thấp nhất - 60 USD/thùng – là 515.100 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch tổng doanh thu PVN dao động tới 200.000 tỷ đồng.

Vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay là nếu như giá dầu thô còn tiếp tục giảm mạnh so với mức dự kiến thấp nhất của PVN là 60 USD/thùng thì kế hoạch sản xuất - kinh doanh của PVN liệu có bị ảnh hưởng lớn và ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng ra sao?

Về tình huống này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV PVN cho biết, Tập đoàn theo dõi hết sức sát sao diễn biến giá dầu thô trên thị trường và chủ động dự báo hàng ngày các kịch bản liên quan đến giá bán và giá thành khai thác từng lô để đánh giá hiệu quả khai thác; từ đó, có phương án điều hành sản xuất - kinh doanh phù hợp.

Theo ông Sơn, nếu giá dầu tiếp tục giảm xuống dưới mức 60 USD/thùng, về cơ bản, không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch sản xuất - kinh doanh cũng như doanh thu, lợi nhuận của PVN, trừ phi giá xuống quá thấp.

“Theo tính toán của chúng tôi, giá thành khai thác dầu tại các mỏ của PVN dao động trong khoảng 30-37 USD/thùng, tùy từng mỏ. Thậm chí, mỏ Bạch Hổ chỉ có giá thành khai thác dưới 30 USD/thùng, do đó, nếu giá dầu dao động trong khoảng 60 - 70 USD/thùng, về cơ bản là tốt cho nền kinh tế và cũng không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của PVN”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, nếu trường hợp giá dầu thô xuống thấp hơn, PVN cũng sẽ tính tới khả năng đóng cửa tạm thời một số mỏ có giá thành khai thác cao để giữ lại tài nguyên, chờ giá cao lên lại khai thác tiếp.

“Một vài mỏ có giá thành khai thác cao như mỏ Sông Đốc, vốn do Tập đoàn Petronas trao trả cho Việt Nam do khai thác không hiệu quả, giá thành lên tới 80 USD/thùng. Đây cũng là một trong số vài ba mỏ nhỏ với sản lượng khai thác không nhiều, chỉ khoảng 450 ngàn tấn trong năm 2014. Đối với những mỏ này, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng, PVN sẽ tính tới chuyện đóng cửa để đảm bảo hiệu quả khai thác”, ông Sơn khẳng định.

Liên quan đến chiến lược đầu tư, Chủ tịch PVN khẳng định, nếu trong trường hợp giá dầu tiếp tục giảm, Tập đoàn sẽ tính tới việc điều chỉnh cắt giảm đầu tư cho hoạt động sản xuất thường xuyên trên cơ sở cân đối hiệu quả sản xuất, còn đối với đầu tư cơ bản dài hạn vẫn giữ mức độ ổn định nhằm đảm bảo giữ khách hàng và đối tác cũng như ổn định gia tăng sản lượng theo chiến lược của Tập đoàn. 

Phương án kế hoạch tài chính năm 2015 của PVN:

Giá (giả định)
100USD
718,4
159,0
90USD
663,6
145,7
80USD
609,9
129,9
70USD
562,5
116,0
65USD
538,3
109,9
60 USD
515,1
104,2

Chưa có kịch bản cho giá dầu giảm sâu

Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra ở đây là kế hoạch kinh doanh của PVN dường như đang coi 60 USD/thùng là đáy của giá dầu thô trên thị trường thế giới. Trong khi đó, những căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn, giá dầu thô được dự đoán có thể còn giảm sâu.

Theo Phó viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, “vấn đề giá dầu giảm liên tục và đột ngột dẫn tới cuộc khủng hoảng về giá năng lượng là một ví dụ rất điển hình cho sự bất định của thế giới hiện nay và do đó không ai có thể dự báo được đâu là đáy của sự suy giảm giá dầu”.

Theo tính toán của PVN, tập đoàn này sẽ có thể mất tới hơn 200.000 tỷ đồng doanh thu khi giá dầu giảm từ 100 USD/thùng xuống mức 60 USD/thùng. Có thể là chừng ấy tỷ đồng nữa sẽ tiếp tục mất nếu kịch bản xấu nhất là giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong năm nay sẽ xảy ra.

Song ở kịch bản này, mọi tiên liệu sẽ không thể khả quan, bởi có thể xuống dưới mốc giá thành sản xuất. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho tất cả các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới, mà PVN cũng không phải là ngoại lệ. 

Nguồn Đầu tư chứng khoán