6 dự báo về sản xuất và xuất khẩu thủy sản quý III/2012
Dưới đây là 6 nhận định dự báo về tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong quý III/2012:
Thiếu nguyên liệu thủy sản cho chế biến xuất khẩu sẽ tiếp diễn sang quý III
Tuy nhiên, dự báo tình hình thiếu nguyên liệu sẽ giảm nhiệt vào tháng cuối của quý (tháng 9), nhất là khi gói cứu trợ 9.000 tỷ đồng cho ngành cá tra được thông qua sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất nguyên liệu cá tra và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu.
Quý III cũng là giai đoạn nhiều diện tích tôm đến kỳ thu hoạch để bù đắp 1 phần cho giai đoạn dịch bệnh, nhưng đặc biệt đây là giai đoạn vào vụ thu hoạch tôm chính của 1 số nước (Ấn Độ, Thái Lan….), tạo ra nguồn cung nhiều hơn những cũng khó khăn hơn trong cạnh tranh bán hàng với các nước tại các thị trường lớn.
Nguồn nguyên liệu hải sản từ biển cho chế biến xuất khẩu được đánh giá là dồi dào hơn từ cả nguồn cung trong nước và nhập khẩu, tuy nhiên cơ cấu nguyên liệu nhập khẩu cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (cá ngừ, mực, bạch tuộc ….) sẽ tăng cao để đáp ứng nhu cầu khi nguồn cung trong nước hạn chế. Giá trị nhập khẩu các loại nguyên liệu thủy sản (tôm sú, tôm chân trắng, cá ngừ, mực và bạch tuộc, cá biển ….) để gia công và sản xuất xuất khẩu sẽ khoảng 60 – 65 triệu USD/tháng trong quý III.
Chi phí đầu vào tính cho giá thành đơn vị sản phẩm thủy sản sẽ vẫn ở mức cao như quý IISo với cùng kỳ 2011, chi phí này tăng từ 15 – 25% (tùy quy mô sản xuất và loại sản phẩm) khi hầu hết các chi phí tăng (lương công nhân, nguyên liệu, bao bì, điện, nước, vận tải biển, vận tải bộ, kiểm nghiệm, xăng ….) và phát sinh thêm các chi phí mới (thuế môi trường túi PE …).
Thiếu vốn sẽ là vấn đề lớn với các doanh nghiệp khi lãi suất cho vay ngân hàng được điều chỉnh giảm còn 10 - 12% nhưng chưa thể giải ngân ngay được. Xu hướng doanh nghiệp điều chỉnh quy mô, cắt giảm chi phí và tăng trưởng nhẹ sẽ rõ ràng hơn.
Giai đoạn cuối quý III cũng được đánh giá là sẽ có một số điều chỉnh tốt trong một số chính sách quy định mới ban hành
Việc điều chỉnh sẽ theo hướng có lợi cho các ngành sản xuất, đặc biệt là thủy sản xuất khẩu.
Tuy nhiên, áp lực lớn vẫn là thủ tục và chi phí kiểm tra Nhà nước cho hàng thủy sản xuất khẩu vẫn chưa được giải quyết sớm theo kiến nghị của Hiệp hội và doanh nghiệp, và đang từng ngày kéo giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trước các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia….Thị trường Châu Âu vẫn đang là thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam trong quý III
Tuy nhiên, sức mua của thị trường này vẫn chưa cao (giá trị xuất khẩu vẫn đang xoay quanh 100 triệu USD/tháng sang EU trong mấy tháng cao điểm) và sẽ vẫn mức tăng trưởng âm 10-12% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, thị trường Nhật Bản với rào cản Ethoxyquin chưa được giải quyết sớm cộng với nguồn cung thế giới có được trong quý III sẽ tác động khiến sức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này ở mức dương 22-25% (quý II đạt mức tăng 35% so với cùng kỳ).
Thị trường lớn nhất Mỹ và các thị trường tiềm năng Hàn Quốc, Australia, Mexico, khối ASEAN, và Trung Quốc+ Hong Kong…vẫn đang tiếp tục có nhu cầu lớn và gia tăng nhập khẩu từ nguồn cung Việt Nam. Đa số các thị trường này sẽ có nhu cầu tăng hơn so với 3 tháng vừa qua của quý II.
Giá trị xuất khẩu quý III khả quan hơn quý II
Với tình hình thị trường, nguyên liệu và sự chuyển biến của 1 số yếu tố nội tại trong nước, dự báo xuất khẩu thủy sản trong quý III/2012 sẽ khả quan hơn quý II với mức tăng trưởng trung bình cả quý so với quý trước là 17%, đạt khoảng 1,84 tỷ USD (quý II đạt 1,567 tỷ USD) và tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam 9 tháng đầu năm 2012 sẽ đạt 4,7 tỷ USD. Trong đó, tháng 8 và 9/2012 có mức tăng trưởng đáng kể để bù đắp cho tháng 7 (được dự kiến sẽ tăng rất thấp 3-5% so với tháng 7/2011).
2 mặt hàng cá tra và tôm sú tiếp tục có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ 2011
Mức giảm của 2 mặt hàng này khoảng 10%, ít nhất là cho đến hết tháng 8; và sẽ phục hồi trong tháng cuối của quý III bởi những tác động tích cực của cả thị trường nhập khẩu và các yếu tố trong nước.
Các mặt hàng tôm chân trắng, cá ngừ 03, cá ngừ 06, cá biển các loại khác, mực và bạch tuộc, cua ghẹ sẽ duy trì và đẩy mạnh giá trị xuất khẩu trong quý III, đặc biệt là cá ngừ, cá biển, mực và bạch tuộc có nhiều điều kiện đạt giá trị xuất khẩu tăng trong khoảng 25 – 40% so với cùng kỳ 2011.
Riêng xuất khẩu các mặt hàng hải sản từ biển dự kiến sẽ đạt khoảng 675 triệu USD trong quý III(chiếm 36,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Quý III), trong đó cá ngừ đạt khoảng 175 triệu USD, mực và bạch tuộc 165 triệu USD, cua ghẹ và giáp xác khác 35 triệu USD, cá biển các loại khoảng 275 triệu USD.
Nguồn Khampha/VASEP