50% người tiêu dùng sẽ mua sắm trực tuyến trong hai năm tới
Nghiên cứu xu hướng người tiêu dùng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của CBRE cho biết, 45 - 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính hay điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng thường xuyên hơn trong hai năm tới.
Tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở người tiêu dùng trong độ tuổi từ 55 đến 64 với 69% cho rằng sẽ mua sắm các mặt hàng phi thực phẩm thường xuyên hơn bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng, CBRE cho biết thêm. Trong khi đó, 25% số người được khảo sát dự định sẽ mua sắm ít hơn tại các cửa hàng thực tế.
Bà Dương Thùy Dung, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển cho biết: “Mặc dù triển vọng của loại hình thương mại truyền thống vẫn khá lạc quan, các nhà quản lý trung tâm thương mại cần phải lưu ý tới những cạnh tranh đến từ loại hình thương mại trực tuyến. Đây là vấn đề thiết yếu trong quản lý và các lĩnh vực liên quan như quảng cáo".
Do đó, các nhà bán lẻ và chủ toà nhà cần tận dụng xu hướng này để triển khai việc bán hàng trên mạng thường xuyên hơn cũng như quảng cáo thông qua các kênh xã hội và thiết kế các trang web theo mô hình thương mại điện tử giữa công ty và người tiêu dùng (Business to Customer - B2C).
Các chủ toà nhà nên áp dụng chiến lược đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử song hành cùng với thương mại truyền thống, tận dụng nguồn dữ liệu thu được từ các giao dịch thương mại điện tử để theo dõi mức độ tham gia của người tiêu dùng, thực hiện chiến lược tiếp cận từ Trực tuyến đến Ngoại tuyến (Online to Offline - O2O), nhằm tạo ra các ứng dụng đơn giản và hiệu quả để người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm trên điện thoại, máy tính bảng.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy người mua sắm thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thuộc các độ tuổi có cùng xu hướng chọn lựa – khả năng chi trả, sự sạch sẽ và an ninh là các yếu tố được đánh giá quan trọng hàng đầu theo thứ tự liệt kê khi họ chọn địa điểm mua sắm.
Khác với kết quả khảo sát của các nước Châu Á – Thái Bình Dương khác, giá cả chỉ xếp thứ ba tại Việt Nam về độ quan trọng.
Người Việt Nam đánh giá cao sự đa dạng của các thương hiệu bán lẻ trong một trung tâm mua sắm nhưng sự hiện diện cụ thể của một thương hiệu bán lẻ hoặc trung tâm thương mại tổng hợp hoặc nhãn hiệu nước ngoài lại ít được xem trọng.
Trái với nhận định chung, các tiện ích giải trí được xem là ít quan trọng hơn so với các “thành phần cơ bản" như giá cả, sự sạch sẽ và an ninh. Kết quả khảo sát này có thể khá thất vọng, khi mà các trung tâm thương mại hiện nay tập trung phát triển ngày càng nhiều vào dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện nhằm tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho người đến mua sắm.
Tuy nhiên, hơn 50% khách hàng trong độ tuổi từ 18-34 đánh giá rằng những tiện ích như vậy tương đối hoặc rất quan trọng trong quyết định lựa chọn địa điểm mua sắm của họ.
Ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành, Bộ phận Cho thuê Mặt bằng Bán lẻ, khu vực Đông Nam Á, nhận xét: “Sự tăng trưởng của số lượng người tiêu dùng trẻ nhấn mạnh tầm quan trọng của những tiện ích vui chơi và giải trí (bao gồm ngành hàng ăn uống) trong việc cung cấp một trải nghiệm tổng thể đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh dài hạn cũng như tăng giá trị của bất động sản bán lẻ”.
Tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Singapore và Việt Nam, nhìn chung người tiêu dùng chú trọng đến trải nghiệm tổng thể khi đi mua sắm.
Hầu hết người tiêu dùng Việt Nam nhận thấy những cải thiện tiêu biểu trong các trung tâm thương mại lớn, nhỏ và các nhà phố thương mại trong ba năm qua. Hơn 60% cho biết các trung tâm mua sắm mà họ đến thường xuyên có cải thiện về thiết kế, cách bố trí, dịch vụ và diện tích công cộng. Hơn 50% đồng ý rằng ngày càng có nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường và các trung tâm thương mại có nhiều tiện ích giải trí hơn.
Nghiên cứu xu hướng người tiêu dùng được tiến hành khảo sát và phỏng vấn 11.000 người tiêu dùng trên 11 thành phố lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với mục đích tìm hiểu phương thức và địa điểm mua sắm các mặt hàng phi thực phẩm. Tại Việt Nam, có 1.000 người tiêu dùng ở Hà Nội và TPHCM từ độ tuổi 18 đến 64, tham gia vào cuộc khảo sát này.
Nguồn DVO