50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2014
Lợi nhuận sau thuế năm 2013 các doanh nghiệp niêm yết đã dương trở lại và tăng mạnh ở mức 16%, trong khi doanh thu chỉ tăng 5%. Điều này một phần là nhờ Chính phủ đã bước đầu thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô với lạm phát dưới một con số tạo tiền đề cho việc giảm mặt bằng lãi suất.
Bên cạnh các doanh nghiệp cơ bản tốt vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận, một số doanh nghiệp khác có nguồn thu từ bán tài sản thì chi phí lãi vay giảm mạnh là một nguyên nhân quan trọng. Tỉ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết trung bình 3 năm qua luôn duy trì ở mức 70-75%. Đến tháng 8.2013 lãi suất của gần 75% các khoản vay cũ đã được đưa xuống 13%/năm, so với mức trên 20% trong năm 2012.
Riêng các công ty nằm trong bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2014 đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2013 là 10% và 18%, vượt trội so với mức 5% và 16% toàn thị trường. Các nguyên nhân chủ yếu là do giảm gánh nặng chi phí lãi vay (nợ vay chiếm 57% vốn chủ sở hữu Top 50), ngành dược duy trì tăng trưởng lợi nhuận và đặc biệt là sự đóng góp lợi nhuận tăng mạnh của một số công ty lớn như GAS (tăng 25%), HPG (tăng 97%) và VIC (tăng 331%).
Một điểm đặc biệt là Vingroup đã đóng góp 13% lợi nhuận sau thuế của Top 50. Năm 2013 VIC đã bán Vincom A Centre với giá 9.823 tỉ đồng thu về 4.300 tỉ đồng lợi nhuận, giúp doanh thu cả năm đạt 18.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.700 tỉ đồng, tăng lần lượt 132% và 331% so với năm 2012. Vingroup đã thăng hạng ngoạn mục lên vị trí thứ 4 trong Top 50 từ vị trí 22 của năm trước.
Xét về các chỉ số hiệu quả kinh doanh, Top 50 cũng thể hiện sự vượt trội so với toàn thị trường. ROE năm 2013 của Top 50 là 21,6%, cao gấp 1,7 lần so với mức 12,6% của thị trường.
Hàng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng chậm lại
Các doanh nghiệp hàng tiêu dùng đã tăng trưởng chậm lại ở mức 7% so với mức 12% năm ngoái. 2 công ty tiêu biểu của ngành này là Vinamilk và Vinacafé Biên Hòa, trong cuộc chiến thị phần rất khốc liệt với các doanh nghiệp nhỏ mới gia nhập ngành và cả doanh nghiệp ngoại, đã tăng trưởng chậm lại ở cả doanh thu và lợi nhuận.
Cao su thiên nhiên chưa hết khó khăn
Ngành cao su đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu giảm mạnh cả về lượng và giá trị trong nửa đầu năm 2014. Ước tính 4 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su đạt giá trị 378 triệu USD, giảm 17,9% về khối lượng và giảm 38,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Do đó trong Top 50 năm 2014 chỉ còn hiện diện Cao su Đồng Phú và Cao su Phước Hòa; Cao su Tây Ninh rời khỏi Top do tăng trưởng doanh thu trung bình kép 3 năm bị âm.
Bất động sản: Một số doanh nghiệp đi ngược xu hướng thị trường
Thị trường bất động sản năm 2013 vẫn còn khó khăn do tổng cầu yếu và doanh nghiệp thiếu vốn để xây dựng dự án. Một số doanh nghiệp đã thay đổi cơ cấu sản phẩm sang nhà ở thu nhập trung bình và thấp để hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ của Chính phủ và phù hợp nhu cầu số đông thị trường. Một số khác có lợi nhuận bất thường từ việc bán bớt dự án để giảm nợ và từ chi phí lãi vay giảm mạnh (doanh nghiệp bất động sản có nợ vay trung bình gấp 1,15 vốn chủ sở hữu). Nếu loại trừ ảnh hưởng của Vingroup và Hoàng Anh Gia Lai, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản vào vòng xếp hạng năm 2013 tiếp tục tăng trưởng âm.
Tập đoàn Hà Đô có mức ROE năm 2013 đạt 17% nhưng do ảnh hưởng ROE năm 2012 4% nên xếp vị trí thứ 53 và bị loại khỏi Top 50. Trong khi đó, Nhà Từ Liêm năm 2013 lợi nhuận tăng 30%, nhưng doanh thu trung bình kép 3 năm giảm 35% nên bị loại khỏi Top 50. Thay thế cho Hà Đô và Nhà Từ Liêm trong Top 50 năm 2014 là Bất động sản nghỉ dưỡng OCH (Khách sạn Đại Dương) và Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Nhà Bình Dương (TDC).
Dược sống khỏe
Cầu thị trường dược vẫn lớn hơn cung, doanh nghiệp ngành dược còn rất nhiều dư địa để đầu tư nâng cấp nhà máy sản xuất thuốc lên chuẩn quốc tế nhằm phân phối ở thị trường nội địa lẫn hướng đến xuất khẩu. Dung lượng thị trường dược Việt Nam năm 2013 vào khoảng 3,3 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2012. Thị trường này được kỳ vọng sẽ đạt 7,06 tỉ USD vào năm 2018, với tốc độ tăng trưởng bình quân 17%/năm, cao nhất Đông Nam Á. Do đó, không ngạc nhiên khi 2 đại diện tiêu biểu của ngành dược là Dược Hậu Giang và Traphaco thăng hạng ngoạn mục vào Top 10 trong bảng xếp hạng 2014.
Dược Hậu Giang, công ty có thị phần lớn nhất trong các công ty nội địa và có hiệu quả sử dụng vốn tốt nhất ngành dược (trên 30%) đã nắm giữ vị trí thứ 5 năm nay, từ hạng 16 năm 2013. Ngoài việc doanh thu tăng 20%, vị thế này được đóng góp từ 122 tỉ đồng lợi nhuận do chuyển nhượng nhãn hàng Eugica cho Mega Life Sciences (Thái Lan). Thuốc tự sản xuất chiếm 87% doanh thu DHG và tập trung vào dòng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau với kênh phân phối chính là kênh OTC (dược phẩm không cần kê toa).
Kênh phân phối lớn nhất nước và nhà máy mới non-betalactam có công suất 4 tỉ đơn vị/năm đã đi vào hoạt động cuối tháng 4 vừa qua sẽ giúp DHG giữ vững thị phần. Ngoài ra, Dược Hậu Giang được giới đầu tư ưa thích bởi người thuyền trưởng Phạm Thị Việt Nga rất tâm huyết với nghề và trong các năm qua bà duy trì bảng cân đối kế toán rất lành mạnh, dòng tiền chỉ tập trung tài trợ cho hoạt động phát triển sản xuất.
Trong khi đó, công ty dẫn đầu thị trường đông dược Traphaco đã thăng hạng từ 47 của năm 2012 lên 29 năm 2013 và tiếp tục vươn lên nắm giữ vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng Top 50 2014. Thị trường đông dược hiện chiếm dưới 10% tổng chi tiêu thuốc và có tiềm năng tăng trưởng tốt. Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của TRA được hỗ trợ bởi các yếu tố (1) là công ty đầu tiên phát triển vùng trồng dược liệu khép kín bằng công nghệ Greenplan, (2) chủ động về nguồn nguyên liệu với 70% tự sản xuất khép kín kết hợp việc thu mua từ nông dân, (3) Traphaco hiện chỉ hoạt động ở mức 60-70% công suất nên vẫn còn dư địa để gia tăng sản lượng, (4) theo đuổi chiến lược mở rộng mạng lưới hoạt động và nguồn nguyên liệu thông qua M&A.
Top 50 của 3 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sụt giảm mạnh
Nhằm giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nhận biết phần nào bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam so với khu vực, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và so sánh với Top 50 khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2013, các nền kinh tế Đông Nam Á tiếp tục trì trệ hơn. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã suy giảm tăng trưởng, từ mức 6,2% năm 2012 xuống 5,7% năm 2013. Thái Lan giảm mạnh từ 6,4% của năm 2012 xuống còn 2,9% năm 2013. Malaysia, nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á, tăng trưởng 4,7% trong năm 2013, giảm từ mức 5,6% của năm 2012.
Sự sụt giảm giá trên các thị trường hàng hóa thế giới và nhu cầu nội địa yếu đi là nguyên nhân chính. Nếu Thái Lan bị ảnh hưởng thêm từ khủng hoảng chính trị thì Indonesia và Malaysia phải chịu gánh nặng trợ cấp nhiên liệu, năng lượng và lương thực. Trong khi đó, 2 năm qua Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu nội địa yếu và giá nông sản sụt giảm, tăng trưởng GDP cũng chậm lại, nhưng năm 2013 Chính phủ nỗ lực hạ nhiệt lạm phát và lãi vay đã giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí lãi vay.
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2013 của Top 50 3 nền kinh tế Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã chậm lại đáng kể trong năm 2013. Lợi nhuận sau thuế của Top 50 năm 2013 Indonesia tăng 7,9% so với mức 19,5% năm 2012 do lợi nhuận của ngành thực phẩm giảm 5%, viễn thông và công nghệ giảm 33% và ngành vật liệu cơ bản giảm 62%.
Lợi nhuận sau thuế năm 2013 của Top 50 Thái Lan tăng 1,3% so với mức 15,1% năm 2012 do chịu ảnh hưởng từ sụt giảm lợi nhuận của ngành dầu khí (giảm 6%), hàng tiêu dùng (giảm 53%), du lịch (giảm 71%). Trong khi đó, 29 doanh nghiệp vốn hóa lớn Malaysia có lợi nhuận sau thuế 2013 giảm 0,3% do bị ảnh hưởng lợi nhuận ngành công nghiệp du lịch giảm 34%
Sau 3 năm thực hiện, có 23 công ty liên tiếp được xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam. Các công ty này đã chứng minh hiệu quả hoạt động vượt trội so với thị trường, tính ổn định trong kinh doanh, mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Đó là một thành tựu rất lớn của các nhà lãnh đạo ở các doanh nghiệp này, chứng minh tính đúng đắn của chiến lược kinh doanh mà họ đang theo đuổi.“50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” là chương trình khảo sát xếp hạng thường niên do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt thực hiện từ năm 2012. Chương trình được thực hiện dưới sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Investment Group, McKinsey & Company Vietnam. Trong đó, nhiều chuyên gia có thâm niên học tập và làm việc tại Trường Kinh doanh Havard, Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley, Công ty Tư vấn McKinsey và các tổ chức kinh doanh có uy tín khác. Mục tiêu: Tìm kiếm 50 doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam qua giai đoạn kinh tế trong 3 năm gần nhất. Phương pháp khảo sát: được tham chiếu từ các bảng xếp hạng doanh nghiệp có uy tín quốc tế như “Bloomberg Businessweek 50” của tạp chí Bloomberg Business week (Mỹ), “Fortune 500” của tạp chí Fortune (Mỹ).(1) Doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và có giá trị vốn hóa từ 500 tỉ đồng trở lên tại ngày 1.4.2014. (2) Doanh thu các năm 2011, 2012 và 2013 từ 200 tỉ đồng trở lên. (3) Lợi nhuận sau thuế các năm 2011, 2012 và 2013 từ 20 tỉ đồng trở lên. Hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu (ROE) và vốn đầu tư (ROC) trung bình 3 năm 2011-2013. Tăng trưởng doanh thu kép trung bình hằng năm giai đoạn 2011-2013. Các bước xếp hạng: Bước 1: Xếp 113 công ty thỏa điều kiện khảo sát theo nhóm ngành. Dựa trên 3 tiêu chí trên, chúng tôi lựa chọn các công ty tốt nhất theo từng nhóm ngành vào Top 50. Việc phân ngành dựa theo theo chuẩn ICB - Industry Classification Benchmark. Bước 2: Cho điểm các công ty từ 1 đến 50 cho mỗi tiêu chí. Cộng điểm cả 3 tiêu chí theo tỉ trọng 55% cho ROE và ROC, 45% cho tăng trưởng doanh thu. Xếp hạng Top 50 theo tổng điểm của 3 tiêu chí. |
Nguồn Gafin/ NCĐT