Chủ Nhật | 23/09/2012 17:42

5 thông tin tiền tệ ngân hàng nổi bật tuần qua

Lãi suất huy động lại vượt trần, tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài có xu hướng mở rộng, tốc độ cho vay chững lại...là những tin nổi bật tuần.
Lãi suất huy động lại vượt trần

Theo phản ánh của VnExpress, một số ngân hàng nhỏ đang huy động vượt trần với các kỳ hạn từ 3 - 6 tháng với mức vượt trần từ 1,5 - 3%.

Cụ thể, tại chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội của một ngân hàng cổ phần, lãi suất khoản tiền gửi hơn 2 tỷ đồng có thể lên 11%/năm kỳ hạn 6 tháng. Nếu gửi kỳ hạn 12 tháng, lãi suất sẽ lên 12%/năm, rút gốc linh hoạt.

Nhân viên tín dụng một ngân hàng có chi nhánh trên phố Ngô Quyền, Hoàn Kiếm cũng cho biết, hiện ngân hàng này ưu tiên lãi suất với những những khách gửi kỳ hạn 3-6 tháng. Nếu gửi từ 12 tháng trở lên, lãi suất không quá 11%/năm. Tuy nhiên, với những khách hàng có khoản tiền lớn, từ 1 tỷ trở lên nếu gửi 3 tháng sẽ được hưởng lãi suất 9,5%/năm, 6 tháng là 10,5%/năm.

Trong khi đó, theo phó phòng tín dụng chi nhánh một ngân hàng tại Hà Đông, hiện ngân hàng này đang huy động VND lãi suất 11%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng.

Tăng lãi suất kỳ hạn dài có xu hướng mở rộng

Không chỉ những ngân hàng lớn như ACB, Eximbank, Sacombank thời gian gần đây nâng lãi suất kỳ hạn dài trên 12 tháng lên 13%/năm mà những ngân hàng thương mại khác cũng đã nhập cuộc.

Cụ thể, tại BacABank,  nếu biểu lãi suất giới thiệu trên website cao nhất chỉ là 11,9%/năm, thì lãi suất niêm yết tại một số điểm giao dịch thực tế đã lên 13%/năm.

Tại Ngân hàng Đại Á (DaiABank), mức cao nhất 13%/năm cũng đã có ở kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ. Hay tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), ở sản phẩm tiết kiệm “2 trong 1” kỳ hạn 12 tháng, mức cao nhất đã lên 12,9%/năm…

Theo Vneconomy, các ngân hàng nhỏ quyết định nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài chủ yếu nhằm mục đích phòng thủ, giữ chân khách hàng chứ không hẳn vì mục đích thanh khoản do nhiều ngân hàng nhỏ như DaiABank có tỷ lệ an toàn vốn hiện khá cao.

Tốc độ cho vay của ngân hàng chững lại

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, nếu cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 7% thì đến nửa đầu tháng 9 vẫn không có gì thay đổi.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng cho biết nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tại ngân hàng từ đầu tháng 9 đã chững lại, không còn sôi động như tháng 7 và tháng 8.

Việc tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chậm lại, theo ông Thanh, là do số lượng doanh nghiệp cần vay đang hẹp dần. Các doanh nghiệp cần vốn thì đã vay, các doanh nghiệp khác đang đối diện với nhiều khó khăn sẽ chần chừ vì kinh doanh kiếm đủ tiền trả lãi như hiện tại là khó. Thêm nữa, các doanh nghiệp lớn cũng không còn muốn mở rộng thị trường nên hạn chế vay.
Công bố Việt Nam đến 31/7/2012
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/7/2012, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đạt 4,999 triệu tỷ đồng, tăng 93.112 tỷ đồng, tương đương gần 2% so với một tháng trước đó.

Nhìn chung, từ tháng 4 đến tháng tháng 7, tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn liên tục tăng. Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần (không bao gồm Vietcombank và VietinBank) chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 44,5% tổng tài sản hệ thống ngân hàng.

Vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng cũng liên tục tăng trong khi vốn tự có của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm.

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng cũng giảm khá nhanh, từ 103,23% cuối 2011 xuống còn 94,73% tính đến 30/4/2012, tháng 5 còn 91,6%, tháng 6 còn 90,97% và xuống còn 89,79% tính đến 31/7/2012.

Khối các ngân hàng thương mại nhà nước có tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động cao nhất với 102,52%, tiếp đến là các công ty tài chính và cho thuê tài chính (123,67%), khối ngân hàng cổ phần có tỷ lệ thấp hơn hẳn với 73,66%.

Công nghiệp và xây dựng vẫn là ngành vay vốn ngân hàng nhiều nhất

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2012, tổng dư nợ tín dụng của hệ thông ngân hàng đạt 2.887.697 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 1.175.182 tỷ đồng, tăng 6,03% so với tháng 12/2011.

Ngành có dư nợ tín dụng cao thứ hai là hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông, giảm 2,84% so cuối 2011.

Dư nợ tín dụng mảng nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tính đến tháng 6/2012 đạt 254.432 tỷ đồng, tăng 1,32% so với cuối năm ngoái.

Nguồn Khampha/Tổng hợp


Sự kiện