Chủ Nhật | 09/12/2012 14:53

5 thông tin tiền tệ ngân hàng nổi bật tuần qua

Một số ngân hàng giảm lãi suất huy động, WB cho rằng dự trữ ngoại tệ Việt Nam 2012 ước 2,3 tháng nhập khẩu.... là một số tin nổi bật tuần qua.
Ngân hàng rục rịch giảm lãi suất huy động

Ngày 7/12 vừa qua, ngân hàng ACB đã công bố biểu lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 12%/năm ở kỳ hạn 13 và 36 tháng, giảm so với mức 12,5%/năm áp dụng từ trung tuần tháng 11. Kỳ hạn từ 1-9 tháng, lãi suất cao nhất chỉ còn 8,8%/năm.

Tại Eximbank, lãi suất huy động tiền đồng được ngân hàng này giảm sâu hơn, mức cao nhất chỉ còn 11,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Từ kỳ hạn 15 tháng trở đi, lãi suất chỉ còn 11%/năm… Trước đó, hồi giữa tháng 11, lãi suất huy động tại Eximbank cao nhất là 12%/năm.

Lãi suất huy động tại một số ngân hàng khác cũng có sự điều chỉnh giảm.

Động thái này diễn ra sau cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11, tại đó, Chính phủ yêu cầu, trong tháng 12 này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại.

Liên quan đến trần lãi suất cho vay, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, lãi suất danh nghĩa (bao gồm lãi suất thực và kỳ vọng lạm phát) sắp tới ở 12 - 13%/năm là chấp nhận được. Đồng thời theo ông Phước "trong điều kiện kinh tế Việt Nam, trần lãi suất cho vay phải được điều chỉnh theo từng quý và có thể đến tháng 6/2013, lãi suất của nền kinh tế Việt Nam xoay quanh mức 10,5 - 11%/năm; còn trần lãi suất huy động có thể xuống 7,5 -8,5%".

Ngân hàng kinh doanh vàng sẽ phải duy trì trạng thái như ngoại tệ

Hiện nay, có nhiều ngân hàng đang nộp hồ sơ xin kinh doanh vàng miếng lên NHNN.

Chiểu theo quy định của Nghị định 24, đa phần các ngân hàng hiện nay đều đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng.

Tuy nhiên, theo Phó thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, khi được cấp phép, các ngân hàng sẽ được kinh doanh vàng miếng như các doanh nghiệp vàng, nhưng phải giữ trạng thái kinh doanh vàng theo ngày giống như trạng thái ngoại tệ. Điều khác biệt là ngoại tệ có thể giữ trạng thái âm (+/- 20%), nhưng vàng thì luôn phải giữ trạng thái dương ở một tỷ lệ nhất định so với vốn tự có. Có nghĩa là, chỉ khi mua được vàng, thì các ngân hàng mới được phép bán vàng ra.

Dữ trữ ngoại tệ Việt Nam năm 2012 ước đạt 2,3 tháng nhập khẩu

Thông tin trên được ông Deepak Mishra, kinh tế trưởng ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay tại buổi họp báo trước thềm hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG).

Theo ông Mishra, mức dự trữ trên được cho là thấp nhất trong tương quan với 10 nước khu vực Đông Á.

Nguồn: Worldbank
Nguồn: Worldbank

Nợ xấu ngân hàng sẽ trở lại bình thường trong 2 năm tới

Thông tin này của Thủ tướng được đưa ra tại buổi tiếp và Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam ngày 6/12 vừa qua.

Cụ thể, Thủ tướng cho biết, năm 2013, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung quyết liệt xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Trước mắt, Việt Nam tập trung hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nợ xấu của hệ thống ngân hàng, phấn đấu trong 2 năm tới, nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ trở lại mức bình thường. Việt Nam mong muốn nhận được hỗ trợ, tư vấn tích cực của WB trong quá trình này.

Cũng liên quan đến nợ xấu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 3/12, khẳng định Việt Nam sẽ xử lý được nợ xấu, dựa trên việc hiện trên 70% nợ có tài sản đảm bảo và đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro khá lớn.

Dập vàng miếng SJC bị ngưng trệ

Tính đến khoảng đầu tuần qua (3/12), lượng vàng đã dập được tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) dừng lại ở mức 165.000 lượng trong số hơn 400.000 lượng cần dập để chuyển đổi.

Thông tin trên do ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, Tổ trưởng Tổ giám sát gia công vàng miếng SJC cho biết.

Theo ông Minh, đến nay lượng vàng móp méo cần chuyển đổi đã hết, còn lại chủ yếu là vàng phi SJC. Do kiểm định mất nhiều thời gian nên mỗi ngày chỉ có thể dập được 2.000 lượng, trong khi công suất của SJC lên đến hơn 50.000 lượng/ngày.

Ông Minh cho rằng, hiện tại lượng vàng cần chuyển đổi chủ yếu là từ phía các ngân hàng. Trong thời gian tới, do đã ngưng huy động vàng, nên các ngân hàng sẽ phải chuẩn bị vàng để trả cho dân theo từng giai đoạn, việc không chuyển đổi được có thể sẽ gây ra sự thiếu cung và các ngân hàng sẽ phải mua vàng trên thị trường để trả cho người dân, gây áp lực lên thị trường.

Nguồn Khampha


Sự kiện