5 thông tin ngân hàng nổi bật tuần qua
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 7 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống, tính cả trái phiếu doanh nghiệp, tăng 1,06% so với cuối 2011. So với mức tăng 1,4% kể cả trái phiếu doanh nghiệp của 6 tháng, tín dụng tháng 7 tăng trưởng âm.
Ngân hàng Nhà nước dự báo, năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 6 - 8%, lãi suất huy động 9% sẽ ổn định nhưng không cố định.
Chất vấn Thống đốc về nợ xấu vào 21/8
Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ 13- 22/8 tới đây, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về những vấn đề nóng trong lĩnh vực ngân hàng như vấn đề nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống.
Thời gian dự kiến dành chất vấn Thống đốc Bình là trọn buổi chiều ngày 21/8.
Liên quan đến vấn đề nợ xấu, tại báo cáo mới đây về định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, hàng đánh giá tín nhiệm Moody's cho rằng, chi phí để giải quyết khối nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam sẽ là lớn.
Báo cáo đánh giá, xét tới mức độ minh bạch thấp trong các dữ liệu của Việt Nam, thì chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam trên thực tế tệ hơn nhiều so với con số tỷ lệ nợ xấu 3,1% tính đến thời điểm cuối năm 2011.
Moody’s nhận định, chất lượng tài sản suy giảm đã xói mòn mức vốn của nhiều ngân hàng, làm suy yếu thêm khả năng hấp thụ thua lỗ, vốn đã yếu, của ngân hàng Việt Nam, đồng thời kìm hãm khả năng cấp vốn tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm vì thế gần như là đi ngang.
Tỷ trọng dư nợ khoản vay lãi suất trên 15%/năm còn hơn 29%
Lãi suất giảm mạnh nhất ở nhóm 5 ngân hàng thương mại nhà nước với tỷ trọng dư nợ cho vay lãi suất trên 15%/năm còn 6,9%.
Đây là thông tin từ báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về kết quả giảm lãi suất các khoản vay cũ. Báo cáo này tổng hợp từ báo cáo đến ngày 2/8/2012 của 69 tổ chức tín dụng, chiếm thị phần 90%.
Tính đến ngày 2/8, cơ cấu tổng dư nợ tín dụng theo các mức lãi suất như sau:
Với mức lãi suất và tỷ trọng dư nợ tín dụng của từng loại theo báo cáo, tính toán sơ bộ cho thấy, lãi suất bình quân chung trong hệ thống tín dụng từ ngày 2/8 còn khoảng 13,9%/năm.
Kỳ vọng đặt ra là tỷ trọng dư nợ tín dụng có lãi suất trên 15%/năm sẽ còn giảm mạnh xuống nữa, tỷ trọng dư nợ tín dụng có lãi suất từ 13%/năm trở xuống sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất và mức bình quân chung sẽ chỉ còn khoảng 10%/năm như năm 2009.
Lãi suất bình quân qua đêm liên ngân hàng xuống dưới 2%/năm
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân qua đêm liên ngân hàng ngày 7/8 giảm 0,59% so ngày 6/8, xuống còn 1,99%/năm.
Tính từ đầu tháng 7, lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng giảm ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, lãi suất qua đêm giảm 1,16% so với 31/7 và giảm tới 5,28% so với 2/7. Lãi suất các kỳ hạn khác ngày 7/8 cũng giảm từ 0,08% đến 4,45% so với 2/7.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm chủ yếu do thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện đáng kể, khi huy động vốn vẫn tăng trưởng khá tốt, song tín dụng tăng yếu.
Song, theo phó tổng giám đốc phụ trách tiền tệ và thị trường vốn một ngân hàng thương mại, giao dịch vốn trên thị trường liên ngân hàng hiện chủ yếu diễn ra giữa các ngân hàng trong nhóm 12 ngân hàng lớn. Những ngân hàng nhỏ vẫn khó vay vốn trên thị trường này nếu không có tài sản đảm bảo.
Lượng tiền gửi ngoại tệ liên tiếp giảm từ đầu năm
Tính đến 31/7/2012, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư đã giảm hơn 10% so với cuối năm 2011. Trong khi đó, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng rất mạnh, hiện đã tăng trên 12% so với cuối năm 2011.
Như vậy, có thể nói, một lượng ngoại tệ đáng kể đã được bán ra cho ngân hàng và chuyển sang gửi bằng đồng nội tệ. Đây cũng là một yếu tố cho thấy, chính sách lãi suất của Nhà nước đã hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua.
Nguồn Khampha/Tổng hợp