Chủ Nhật | 05/05/2013 12:08

5 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

PMI Việt Nam tháng 4 tăng nhẹ, Bộ Kế hoạch đầu tư nhận định tăng trưởng GDP 2013 khó đạt 5,5%... là một số tin nổi bật tuần qua.
Hội nghị lần 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chính thức khai mạc

Hội nghị diễn ra từ ngày 2-11/5.

Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI sẽ xem xét, quyết định, cho ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề lớn, bao gồm: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận;

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng;

Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và một số vấn đề quan trọng khác.

Chỉ số PMI của Việt Nam tháng 4 tăng nhẹ lên 51 điểm

Theo báo cáo của HSBC, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 4 tăng nhẹ lên 51 điểm so với mức 50,8 điểm của tháng 3.

Chỉ số PMI tăng là nhờ số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trưởng nhanh hơn, đồng thời sản lượng sản xuất tiếp tục phát triển thêm.

Nguồn: HSBC

Bộ Kế hoạch đầu tư nhận định tăng trưởng GDP 2013 khó đạt 5,5%

Nhận định trên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại báo cáo đánh giá kết quả thực hiện năm 2012 và kế hoạch 2013 công bố mới đây.

Nguyên nhân là do nền kinh tế dự báo còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sức mua yếu, tín dụng khó tăng trưởng cao.

Trước đó, hàng loạt tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra những dự báo về kinh tế Việt Nam. Trong đó, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5,2% năm 2013, UNDP dự báo 5,5% trong khi WB và IMF dự báo con số này lần lượt là 5,7% và 5,9%.

Dự án tỷ USD "xếp hàng" vào Việt Nam

Nếu như những năm trước đây, các dự án tỷ USD đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là bất động sản thì sang 2013 có thể là năm của các dự án tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất.

Cụ thể, quý II tới, Hải Phòng có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ, tivi và linh kiện điện tử dùng cho ô tô của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 300 tỷ USD.

Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, sau khi khởi công dự án 2 tỷ USD tại Thái Nguyên hồi tháng 3, cũng đang chuẩn bị xây tiếp nhà máy thứ 2 tại đây chuyên sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp, quy mô 1,2 tỷ USD.

Dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô cũng sẽ nhận giấy chứng nhận đầu tư để nâng vốn từ 1,7 tỷ USD lên 3,6 tỷ USD trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới, theo Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô Petroleum Nghiêm Xuân Cải.

Ngoài ra, dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng dự án nhà máy lọc hoá dầu gần 28 tỷ USD tại Bình Định của Tập đoàn Thái Lan vẫn là một dự án được kỳ vọng.

Hà Nội muốn có "SCIC" riêng

Trong văn bản mới đây về tình hình đổi mới và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, thành phố đang xây dựng đề án thành lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước trực thuộc thành phố.

Tại buổi họp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội tuần trước đó, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép thành lập công ty chuyên trách này và sẽ do UBND Hà Nội quản lý.

Theo UBND Hà Nội, việc lập Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc sẽ giúp thành phố đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện