5 rủi ro địa chính trị đối với thị trường hàng hóa thế giới 2013
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Đông
Sự thay đổi ưu tiên chiến lược từ Trung Đông sang châu Á của Mỹ sẽ có những tác động hai mặt đối với sự ổn định ở Trung Đông, đặc biệt là liên quan đến giá dầu mỏ.
Trước đây không lâu, Mỹ đã có những can thiệp sớm đối với tình hình ở Syria, nhưng hiện nay, các cuộc xung đột đang diễn ra ở quốc gia này cũng như những căng thẳng đang leo thang ở một số nơi như Israel và Ai Cập - có khả năng vượt ra ngoài tầm kiểm soát và kéo theo sự tham gia của nhiều nước khác - có thể sẽ làm gián đoạn các hoạt động sản xuất dầu. Hậu quả là không thể lường trước.
Động thái bổ nhiệm hai Thượng nghị sỹ John Kerry và Chuck Hagel vào hai vị trí Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, cũng cho thấy Mỹ có thể sẽ điều chỉnh các nỗ lực ngoại giao với Iran, nhằm giảm bớt những rủi ro đối với giá dầu do những lo ngại ngày càng tăng về đường vận chuyển qua eo biển Hormuz bị ngăn chặn. Xác suất của một cuộc tấn công Iran vào cuối năm 2013 do Mỹ và Israel chủ xướng, đã giảm còn 25% so với mức 50% trong tháng 10/2012.
Tình hình ở Venezuela
Tình trạng sức khỏe xấu của Tổng thống Hugo Chavez, đã thúc đẩy mối quan tâm nhiều hơn đến sản lượng dầu mỏ từ Venezuela cũng như gây những tác động đến giá dầu.
Trong ngắn hạn, điều không chắc chắn là liệu việc chuyển giao quyền lực (ở Venezuela) có được suôn sẻ và tình trạng bất ổn trong xã hội có thể tác động như thế nào đến giá dầu. Giá dầu có khả năng suy giảm nếu các hoạt động khoan khai thác tăng lên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, nguy cơ giá dầu mỏ giảm tại Venezuela là rất thấp, bởi tình trạng này chỉ xảy ra khi các hoạt động khoan khai thác tăng tới 50% và nhiều dự án xã hội do ông Chavez thiết lập được từ bỏ.
Những bất ổn ở Mali và Nigeria
Nhìn từ bên ngoài, chiến sự giữa các chiến binh Hồi giáo cực đoan với chính phủ ở Mali sẽ không có những tác động lớn đến thị trường hàng hóa. Mặt hàng xuất khẩu chính của Mali là vàng (Mali là nhà sản xuất vàng lớn thứ ba ở châu Phi, chỉ sau Nam Phi và Gana).
Các mỏ vàng của Mali hầu hết đều nằm ở phía Nam và Tây Nam, cách khá xa nơi cuộc nội chiến đang diễn ra ở phía Bắc. Nhưng thực tế, từ khi tình trạng bất ổn diễn ra đã khiến cho các hoạt động khai thác mỏ bị trì trệ, bởi việc di chuyển và đảm bảo an ninh cho các thợ kỹ thuật và nhà cung cấp trở nên khó khăn hơn.
Cuộc tấn công khủng bố gần đây vào một cơ sở khí đốt ở Algeria có thể là một cảnh báo cho một loạt các vụ việc tương tự có thể xảy ra thường xuyên hơn trong khu vực. Algeria là quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn cho châu Âu, song ngay cả khi Algeria có những gián đoạn nghiêm trọng trong cung cấp thì tình hình cũng không phải là quá xấu. Nguy cơ thực sự là ở các quốc gia như Nigeria (nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ tám thế giới) bị rơi vào tình trạng bất ổn tương tự dẫn đến sự gián đoạn năng lượng và sản lượng hàng hóa.
Nam Phi
Tình trạng bất ổn tại các mỏ bạch kim ở Nam Phi trong năm 2012 là một trong những thủ phạm gây ra các vấn đề trong nước của quốc gia này, như tỷ lệ thất nghiệp cao, điều kiện sống và mức lương quá thấp. Nhu cầu yếu đối với bạch kim, nhất là từ ngành công nghiệp sản xuất xe hơi đã khiến giá bạch kim giảm đáng kể trong năm 2012. Mới đây, Amplats, nhà sản xuất bạch kim hàng đầu thế giới, đã tuyên bố giảm 7% sản lượng hàng năm do giá cả quá thấp và nhu cầu yếu. Động thái này có thể thúc đẩy các cuộc đình công và sự tăng giá bạch kim trong thời gian tới.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản
Kể từ khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu quần đảo Senkaku, mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày một xấu đi khi cả hai bên đều tiến hành các cuộc tập trận quân sự trả đũa lẫn nhau. Bất kỳ một sự leo thang căng thẳng nào cũng sẽ tác động mạnh đến 2 nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này và qua đó ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng như thế giới.
Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy có tới 40% doanh nghiệp của Nhật Bản đang có kế hoạch rút các hoạt động ra khỏi Trung Quốc do lo ngại tình trạng căng thẳng này sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh của họ. Bất kỳ một sự gián đoạn nào cũng có thể ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng trên toàn cầu ít nhất tương tự như trường hợp đã xảy ra trong năm 2011 sau thiên tai sóng thần tại Nhật Bản.
Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu hàng hóa và năng lượng. Một minh chứng rõ ràng là trong năm 2012, Nhật Bản đã ký một hợp đồng với Ấn Độ nhập khẩu tới hơn 20% kim loại đất hiếm, nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu kim loại đất hiếm từ Trung Quốc. Kim loại đất hiếm đã trở thành một vấn đề chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản sau khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng trong nước và hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng này hồi giữa năm 2010.
Nguồn Thời báo ngân hàng