5 năm mở rộng Hà Nội, Thủ đô “được” gì?
Kết quả cụ thể hơn, theo Chính phủ, là đời sống nhân dân tại tỉnh Hà Tây cũ; huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình ngày càng được cải thiện và nâng cao.
"Năm 2012, GDP bình quân đầu người tăng 1,33 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 1,86 lần, thu ngân sách tăng hai lần so với so với năm 2008", Chính phủ so sánh.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận còn nhiều hạn chế, trong đó có quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng hạ tầng đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chậm tiến độ nhiều so với yêu cầu. Trật tự xây dựng, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình giao thông và vệ sinh môi trường đô thị còn diễn biến phức tạp nhất là ở các địa bàn hợp nhất về thành phố Hà Nội; tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải tại các bệnh viện, vệ sinh môi trường, thoát nước còn nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hơn một lần than phiền về sự sơ sài của thông tin, từ tổng quát đến cụ thể.
Theo cơ quan thẩm tra, báo cáo chưa phản ánh được đầy đủ thực trạng bức tranh tổng thể về Hà Nội sau 5 năm được điều chỉnh địa giới hành chính, về bản sắc văn hóa riêng của từng vùng, sự giao thoa văn hoá xứ Đoài với văn hoá Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Tâm tư, tình cảm, đời sống của nhân dân, những băn khoăn, lo lắng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là nhân dân ở những xã của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình được điều chỉnh về Hà Nội. cũng chưa rõ nét.
Việc đánh giá cả về kết quả, hạn chế, nguyên nhân đều chưa đầy đủ cộng với một số số liệu đưa ra chưa có tính thuyết phục cao, dẫn đến định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới chưa sát thực, cơ quan thẩm tra lo ngại.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến tại Ủy ban Pháp luật cho rằng dù đã lường trước được những thuận lợi, khó khăn khi điều chỉnh địa giới, nhưng sau 5 năm thực hiện, dường như Hà Nội chưa phát huy được lợi thế từ sự điều chỉnh này, cũng như chưa khắc phục được một số khó khăn, hạn chế.
"Thậm chí có những vấn đề được xem là thuận lợi khi mở rộng Thủ đô, như vấn đề tiêu lũ thì nay lại là mối quan tâm lo lắng đối với người dân Hà Nộị", báo cáo viết.
Riêng với các chỉ tiêu phát triển, có ý kiến tại Ủy ban cho rằng tốc độ tăng trưởng chưa ngang tầm với những tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, nhất là lợi thế Hà Nội có được do điều chỉnh mở rộng thành phố. Thậm chí chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội năm 2012 chỉ đứng thứ 51/63 tỉnh, thành.
Công dân Hà Nội cũng chưa thực sự được hưởng đầy đủ những giá trị thiết yếu cho cuộc sống, như về cơ sở hạ tầng, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục, quản lý đô thị.Trái lại vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, cơ sở hạ tầng xuống cấp, trường học, bệnh viện quá tải... cơ quan thẩm tra nhìn nhận.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện hơn về thực trạng đời sống nhân dân thành phố Hà Nội hiện nay. Trong đó bổ sung thực trạng những hạn chế, khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thị trường bất động sản, về nợ xấu trên địa bàn...
Được hoàn thành sau báo cáo thẩm tra, nhưng báo cáo của Chính phủ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cụ thể này.
Về "những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới", cơ quan thẩm tra "phê" Chính phủ không xác định được nhiệm vụ nào cần ưu tiên thực hiện. Thậm chí Ủy ban Pháp luật còn phát hiện báo cáo năm nay của Chính phủ không có nhiều thay đổi so với báo cáo cuối năm 2011, cũng về nội dung này.
Nguồn VnEconomy