Thứ Sáu | 23/10/2015 10:12

5 lý do khiến giá dầu lại chìm trong thời gian tới

Giá dầu hồi phục từ mức thấp nhất trong mùa hè cho thấy dường như giá đã chạm đáy, nhưng các chiến lược gia cho rằng đà giảm chưa kết thúc.

Những phiên gần đây, giá dầu liên tiếp giảm. Trong phiên giao dịch gần nhất vào ngày thứ Tư, có lúc giá xuống thấp nhất 3 tuần ở 44,86 USD/thùng.

Những yếu tố bất lợi đối với giá dầu vẫn tiếp tục và thị trường vẫn thừa cung đến 2 triệu thùng/ngày. Các chiến lược gia cho rằng yếu tố chính khiến giá dầu bắt đáy mới là Iran khi hiện vẫn chưa rõ về thời điểm và tốc độ nước này trở lại thị trường dầu thô.

Dưới đây là 5 lý do khiến giá dầu có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới.

1. Iran trở lại thị trường

Các nước sản xuất dầu chủ chốt tiếp tục bơm dầu với sản lượng kỷ lục trong khi nhu cầu vẫn ảm đạm. Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã chứng tỏ khả năng "kháng cự" tốt hơn dự đoán và sản lượng dầu thô của nước này vẫn trên 9 triệu thùng/ngày.

Tháng 7/2015, Mỹ và 5 nước khác nhất trí dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran đổi lấy việc nước này thu hẹp chương trình hạt nhân. Và hôm Chủ nhật vừa qua, thỏa thuận này đã được chính thức hóa khi Iran giữ đúng cam kết.

Một quan chức Iran cho biết, nước này đã ký hợp đồng xuất khẩu 500.000 thùng dầu/ngày với châu Âu và châu Á ngay khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Đánh giá cuối cùng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 15/12.

2. Lượng dầu lưu kho ngày càng tăng

Lý do thứ hai là tình trạng lượng dầu lưu kho liên tục tăng. Số liệu của chính phủ Mỹ hôm thứ Tư cho thấy, lượng dầu lưu kho tuần qua tăng đột biến 8 triệu thùng, trong khi nguồn cung dầu tại riêng khu vực Gulf Coast đạt kỷ lục 247,2 triệu thùng.

Trong một báo cáo mới đây, Barclays cho biết, công suất lọc dầu toàn cầu trong quý II và quý III vượt nhu cầu 57%, đẩy công suất chứa của các cơ sở lên mức tối đa, thậm chí phải chứa sản phẩm lọc dầu trên các tàu chở dầu ngoài khơi.

Công suất lọc dầu toàn cầu đang tăng. Ví dụ, xuất khẩu dầu thô của Arab Saudi trong tháng 8 giảm, nhưng xuất khẩu sản phẩm lọc dầu lại tăng. Theo số liệu JODI, xuất khẩu sản phẩm lọc dầu của Arab Saudi trong tháng 8 đạt 1,3 triệu thùng so với 1,1 triệu thùng tháng trước đó.

Mỹ cũng tăng xuất khẩu sản phẩm lọc dầu với hơn 2 triệu thùng/ngày.

3. Bùng nổ dầu đá phiến

Khả năng "kháng cự" của ngành dầu đá phiến của Mỹ trước việc giá dầu lao dốc cũng là yếu tố bất lợi cho giá dầu. Mùa thu năm ngoái, Saudi Arabia và các thành viên OPEC đã cam kết tiếp tục duy trì sản lượng mục tiêu 30 triệu thùng/ngày và để cho thị trường tự điều tiết giá dầu trong bối cảnh thừa cung.

Nhưng sản lượng dầu thô của Mỹ, dù số giàn khoan phải đóng cửa tăng lên, vẫn không giảm đi làm mấy.

Theo các nhà phân tích, dù ngành có chịu một số ảnh hưởng tiêu cực khi giá dầu duy trì ở mức thấp trong thời gian quá lâu nhưng với tiềm lực tài chính và trình độ công nghệ cao, giới chuyên gia nhận định ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ sẽ không phải thu hẹp quy mô dù giá dầu còn giảm.

4. Các nước sản xuất chủ chốt vẫn tăng sản lượng

Nga và Arab Saudi - 2 nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới - xem ra vẫn áp dụng chiến lược giá dầu thấp để giành hoặc giữ thị phần.

Chính Saudi Arabia “đạo diễn” cho OPEC sử dụng chiến thuật thị trường điều tiết giá như một vũ khí chống lại tình trạng thừa cung. Giới phân tích dự đoán khả năng OPEC giảm sản lượng trong phiên họp vào tháng 12 tới là rất thấp.

5. Nhu cầu dầu toàn cầu vẫn ảm đạm

Tình trạng thừa cung diễn ra vào thời điểm nhu cầu dầu thô của các nước mới nổi và Trung Quốc sụt giảm. Lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, kéo giảm nhu cầu dầu thô của nước này đang gia tăng áp lực lên giá.

Tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục ở mức thấp cho đến năm sau đồng thời hạ dự báo giá dầu. Theo đó, giá dầu bình quân năm nay sẽ đạt 52 USD/thùng, giảm so với 57 USD/thùng dự báo trước đó và năm 2016 giá bình quân chỉ là 51 USD/thùng.

Theo WB, việc Iran trở lại thị trường dầu sẽ khiến giá dầu giảm hơn nữa, nhưng nhu cầu ảm đạm mới là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng lên giá dầu.

Trong khi đó, mới đây, Barclays cũng dự báo giá dầu Brent bình quân trong quý IV/2015 là 53 USD/thùng và năm 2016 sẽ là 63 USD/thùng.

Nhật Trường

Nguồn CNBC