5 cổ phiếu biến động lớn trong tháng 7
Trong tháng 6, SBS nổi lên với nguy cơ phá sản rất lớn do thua lỗ nặng, mất thanh khoản, từ ngày 19/7 cổ phiếu SBS rơi vào diện kiểm soát. Báo cáo quản trị công ty trong quý II/2012 của SBS cho thấy, toàn bộ lãnh đạo gắn bó lâu năm với công ty đều đã bán hết cổ phiếu và tất cả đã từ nhiệm khỏi vị trí và rời khỏi SBS sau Đại hội đồng cổ đông thường niên giữa tháng 6/2012.
Trong tháng 7, SBS tăng trần 9 phiên liên tiếp, sau quãng thời gian giảm sàn 15 phiên liên tục trước đó. Từ ngày 26/6 đến 12/7, giá cổ phiếu SBS giảm sàn liên tiếp, từ 4.500 đồng xuống tới 3.000 đồng/cổ phiếu (giảm tới 33,4%). Nhưng từ ngày 13/7 đến 1/8, cổ phiếu SBS lại tăng trần liên tục, từ 3.100 đồng, lên 4.400 đồng (tăng 31%). Đặc biệt, khi giảm sàn, khối lượng đặt mua vượt xa lượng đặt bán và ngược lại khi giá tăng trần.
Ở trường hợp khác, năm 2011, Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (mã LAF) đạt lợi nhuận sau thuế là 10,33 tỷ đồng. Nhưng cổ phiếu LAF đã bị bán tháo trong tháng 7/2012 khiến giá cổ phiếu này giảm gần 30% trong tháng 7 và giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ 24 đến 30/7, xuống tới 7.300 đồng.
Theo báo cáo tài chính, trong quý II/2012, LAF lỗ gần 89 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ ở hai quý trước đó là 41,3 tỷ và 35,7 tỷ đồng, trong khi từ qúy II/2009 đến quý II/2011, LAF đều có lãi.
Trong khi đó, cổ phiếu Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (mã PSG) sụt giảm hơn 50% trong vòng 3 tháng trở lại đây. Riêng tháng 7, PSG giảm 14,81% xuống chỉ còn 2.400 đồng với nhiều phiên giảm sàn.
Theo báo cáo tài chính, quý IV/2011 PSG lỗ gần 12 tỷ đồng (cả năm 2011 lỗ 87,24 tỷ), quý I/2012 lỗ tiếp 32 tỷ đồng, quý II vẫn lỗ 32,23 tỷ đồng. Đến cuối quý II, nợ ngắn hạn tới hơn 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ có 203,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG) trong tháng 7 tiếp tục bị bán tháo sau khi lãnh đạo chủ chốt của công ty này bán lượng lớn cổ phiếu.
Cuối tháng 7/2012, một số cá nhân (ba phó tổng giám đốc) là cổ đông nội bộ và 2 người thân của Chủ tịch Hội đồng Quản trị DLG đã bán tổng cộng 1,8 triệu cổ phiếu DLG vào cuối tháng 6/2012. Trong tháng 7, giá cổ phiếu tiếp tục giảm thêm khoảng 22%, còn 6.200 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất từ khi niêm yết. Cổ phiếu này đã mất hơn 70% giá trị trong 3 tháng gần đây.
Kết quả kinh doanh quý II của DLG đạt 2,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 55% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty mẹ DLG đạt trên 10 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 48% cùng kỳ năm trước, nợ phải trả cuối quý II là hơn 1.000 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu 777 tỷ đồng.
Với PVX, trong tháng 7, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (mã PVX) mất 12,5% giá trị từ 9.600 đồng/cổ phiếu rớt xuống còn 8.400 đồng/cổ phiếu, giao dịch bình quân lên tới gần 4 triệu cổ phiếu/ngày.
Rất nhiều nhà đầu tư đã “mắc bẫy” khi tham gia đua trần vào ngày 19/7. Ngày 23/7, thông tin gây sốc lớn và thất vọng cho nhiều nhà đầu tư là việc PVX công bố lỗ ròng xấp xỉ gần 300 tỷ đồng trong qúy II/2012, trong khi qúy I/2012 lãi ròng 7,5 tỷ đồng và suốt từ năm 2008 đến 2011đều lãi lớn (năm 2010 lãi 742 tỷ, năm 2011 lãi 299,4 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính, nguyên nhân chính gây lỗ lớn và đột ngột là do khoản dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn 128 tỷ đồng trong quý II. Trong danh mục đầu tư dài hạn của PVX, gồm 13 công ty con, hầu hết trong lĩnh vực kinh choanh tương tự PVX với tổng trị giá 2.350 tỷ đồng, 12 công ty liên kết với tổng trị giá 671 tỷ đồng và 17 khoản đầu tư dài hạn khác là 532 tỷ đồng.
Nguồn VnEconomy