Thứ Ba | 19/04/2016 08:00

5 câu hỏi lớn về thị trường dầu sau phiên họp Doha

Giá dầu lại giảm sau khi các nước sản xuất chủ chốt không thể thống nhất trong phiên họp tại Doha hôm 17/4. Thị trường dầu giờ đây sẽ ra sao?

1. Tại sao phiên họp bàn về việc đóng băng sản lượng thất bại?

Về cơ bản, thất bại của phiên họp bàn về việc đóng băng sản lượng tại Doha hôm Chủ nhật 17/4 phần lớn do Arab Saudi và Iran. Bước vào phiên họp, một số nước hy vọng Arab Saudi - nước sản xuất dầu thô lớn thứ 2 thế giới - sẽ đồng ý giới hạn sản lượng cùng với các thành viên hàng đầu khác của OPEC.

Tuy nhiên, Iran - gần đây đã tăng xuất khẩu dầu thô sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ - đã lưỡng lực trong việc tham gia thỏa thuận này. Khi mọi chuyện rõ ràng rằng Tehran không thay đổi quyết định, Arab Saudi cũng không nhất trí tham gia thỏa thuận.

2. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với nguồn cung dầu thô toàn cầu?

Các nước sản xuất chủ chốt như Nga và Arab Saudi đã đẩy sản lượng dầu thô lên mức rất cao hồi tháng 1 vừa qua: Sản lượng dầu hàng ngày của Nga đạt mức cao thứ 2 trong lịch sử. Ngay cả khi các nước nhất trí đóng băng sản lương ở mức của tháng 1/2016, thỏa thuận này cũng sẽ không tạo ra mấy khác biệt về nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Mỹ đã trở thành nước sản xuất có ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu thô toàn cầu nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến. Tuy vậy, sản lượng dầu thô của Mỹ bắt đầu giảm và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 700.000 thùng/ngày trong năm nay. Bù vào đó, Iran dường như nhất định tăng sản lượng: Nước này đã tăng sản lượng lên 3,3 triệu thùng/ngày kể từ khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Tehran cam kết sẽ đẩy sản lượng lên 4 triệu thùng/ngày.

3. Điều này có ý nghĩa thế nào với OPEC?

Quyền lực của OPEC trên thị trường dầu thô đang ngày một giảm trong những năm gần đây. Khối này vẫn cung cấp khoảng 1/3 sản lượng dầu thô toàn cầu, nhưng các nước ngoại khối như Nga, Mỹ và thậm chí Trung Quốc, đang liên tục tăng sản lượng và có ảnh hưởng ngày một lớn hơn trên thị trường.

Hơn nữa, bất chấp những thăng trầm và sự khác biệt về địa chính trị giữa Arab Saudi và Iran, OPEC ít nhất vẫn có thể đồng ý về một chính sách chung trong những năm tới. Sự thất bại của phiên họp Doha, nhất là khoảng cách ngày càng rộng giữa vị trí của Iran và Arab Saudi, đã hủy hoại uy tín của OPEC, theo giới đầu tư.

4. Điều này ảnh hưởng thế nào đến nhu cầu dầu thô toàn cầu?

Tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước và khu vực như Trung Quốc và châu Mỹ Latin chậm lại được dự đoán sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tiêu thụ dầu thô trong năm nay, làm trầm trọng hơn lo ngại nhu cầu sẽ không thể tăng nhanh bằng nguồn cung. Tuần trước, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô năm 2016, giảm 50.000 thùng/ngày. Nhu cầu mặt hàng này hiện đang được dự đoán tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày lên 94,18 triệu thùng/ngày.

5. Giá dầu có thể xuống thấp đến mức nào?

Giá dầu thô đã hồi phục trong những tuần gần đây sau khi khi giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ chạm đáy 12 năm ở 26,05 USD/thùng hồi tháng 2 vừa qua. Ngay sau đó, cuộc đàm phán giữa Nga và một số thành viên OPEC về việc đóng băng sản lượng đã đẩy giá dầu lên mốc 40 USD/thùng, thậm chí cao hơn.

Nhưng với sự đổ vỡ của phiên họp Doha, một số nhà phân tích cho rằng giá dầu có thể lại lao dốc khi Natixis dự đoán giá dầu sẽ lại rơi xuống mốc 30 USD/thùng. Hơn nữa, một số người cảm thấy rằng các cuộc đàm phán tại Doha hôm Chủ nhật 17/4 sẽ không bao giờ đưa đến một thỏa thuận lớn, khiến những yếu tố cơ bản trên thị trường sẽ không thay đổi, làm tăng khả năng giá dầu sẽ chỉ dao động quanh mốc hiện nay mà thôi.

Nhật Trường

Nguồn WSJ