Số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, cả nước có 14.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 60,9% so với tháng trước. Ảnh: Quý Hòa.

 
Nhật Anh Thứ Tư | 29/03/2023 17:28

44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên trong quý II/2023

Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa có Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I/2023.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, cả nước có 14.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 60,9% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,1% và tăng 46,2%; có 4.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 9,1% và tăng 39,3%; 3.452 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 31% và tăng 39,5%; có 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21% và tăng 31,1%.

Tính chung quý I/2023, cả nước có 57.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.200 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 cho thấy số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn thấp hơn nhiều so với các quý năm 2022 (chỉ có 24,3%) nhưng dự kiến quý II/2023, có 44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2023.

 

Về bối cảnh kinh doanh, Việt Nam đã lấy lại động lực tăng trưởng của những thập kỷ trước sau giai đoạn 2 năm trầm lắng mặc dù vẫn đạt mức tăng trưởng GDP dương nhờ các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã được dỡ bỏ. 

Trong năm 2022, nền kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng vượt bậc trong 4 quý gần đây nhờ thành công của chiến lược mới “Sống chung với COVID” và sự can thiệp linh hoạt của chính sách tiền tệ nhằm đối phó với áp lực tăng lãi suất và sự mất giá của VND so với USD và chính sách tài khóa giúp kéo giảm lạm phát nhờ giảm giá xăng dầu. Đã có một số tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại ở hoạt động sản xuất công nghiệp do nhu cầu toàn cầu suy yếu. 

“Chúng tôi đang theo dõi thận trọng các số liệu về sản xuất công nghiệp và thương mại vì có một số dấu hiệu suy giảm do nhiều nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng về suy thoái kinh tế, điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 nếu các điều kiện xấu đi đáng kể. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2023 do lợi thế về mức so sánh thấp không còn và các mối lo ngại về suy thoái trên toàn cầu”, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Đầu tư công, động lực thay thế quan trọng với chỉ báo tăng trưởng